Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biển quảng cáo không phép, sai phép: Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tuần sau Chỉ thị số 16/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo (QC) trên địa bàn TP Hà Nội, vấn đề xử lý biển quảng cáo trở nên sôi sục.

Bởi nếu cưỡng chế xong 339 biển sai phép của hơn 50 DN trên địa bàn TP thì tình trạng nâng giá hàng tỷ đồng cho một năm thuê QC, hoặc hạ thấp hơn mặt bằng chung sẽ chỉ là chuyện của quá khứ.

Hết chối cãi vi phạm

Sau Chỉ thị 16, các đơn vị hưởng lợi tiền tỷ từ những biển QC không phép gần như hiểu rằng đã đến thời điểm không thể cưỡng lại được việc tháo dỡ. Chỉ trong 2 ngày (10 và 11/8), Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động QC trên địa bàn TP đã có 2 buổi làm việc với lãnh đạo 17 quận, huyện có biển quảng cáo vi phạm và 39 DN (trong hơn 50 DN) vi phạm và thông tin rộng rãi trên truyền thông. Ngoài thông tin những quy định mới nhất của TP về việc cưỡng chế biển QC sai phép, thì việc công khai bộ hồ sơ vi phạm của 190 biển QC độc lập và 149 hộp đèn QC trên dải phân cách là bằng chứng khiến các đơn vị không thể chối cãi.
Quảng cáo khổ lớn tại bãi đỗ xe Cầu Giấy, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Quảng cáo khổ lớn tại bãi đỗ xe Cầu Giấy, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Những đơn vị để biển QC vi phạm “mọc lên như nấm” cũng đã bị “điểm danh”. Huyện Sóc Sơn, sau hơn một năm có đường Võ Chí Công đã có 19 biển quảng cáo không phép mọc lên trong tổng chiều dài 4km. Cùng tuyến đường Võ Nguyên Giáp, nhưng trên địa bàn huyện Sóc Sơn có đến hàng chục biển vi phạm, còn huyện Đông Anh lại là địa phương nói không với biển quảng cáo tấm lớn ngay từ khi hành vi vi phạm còn "trong trứng nước”. “Tính đến ngày 8/8, Sóc Sơn là địa phương có số biển QC vi phạm cao nhất toàn TP. Nếu như cuối tháng 5/2016, Đoàn thanh tra thống kê được 43 biển QC vi phạm thì đến nay con số này đã nâng lên 68 biển” - ông Nguyễn Thanh Phong – Chánh Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội cho biết. Tại chân cầu Nhật Tân, nhiều biển vi phạm bị cưỡng chế rồi vài tuần sau mọc tại vị trí cũ.

Hiện nay, Hà Nội còn 250 vị trí QC nằm trong Quy hoạch được phép dựng biển. Dù đã mời chào nhiều năm nhưng không DN nào mặn mà, mà đa phần tìm mọi cách “lách luật” để dựng biển sai phép ở các vị trí giao thông trọng yếu như: Tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Nhật Tân, Nội Bài, ngã ba, ngã tư đường phố…

Có thể điều tra doanh nghiệp vì trốn thuế
Hơn một tháng, sau quyết tâm xử lý biển QC sai phép của TP, trong khi các quận Cầu Giấy, Ba Đình rục rịch tháo dỡ được 2 - 3 biển QC, thì quận Nam Từ Liêm vẫn còn bắt đầu ở giai đoạn… đọc Chỉ thị 16.

Mặc dù, trong buổi làm việc với các DN, có 39/56 DN vi phạm có mặt nhưng theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành của TP: “Trong buổi gặp mặt ngày 10/8, lãnh đạo các quận, huyện và DN nhất trí chấp hành Chỉ thị 16 của Chủ tịch UBND TP. Hạn cuối cùng cho việc tự tháo dỡ là ngày 3/9. Nếu các địa phương không hoàn thành, Đoàn thanh tra sẽ đề xuất với TP biện pháp cưỡng chế. Kinh phí cưỡng chế sẽ do DN vi phạm phải chịu trách nhiệm”.

Theo ông Tô Văn Động, việc tồn tại các biển QC không phép trong thời gian qua khiến thị trường QC trên địa bàn TP bị phá giá. Đa phần các DN này tự thỏa thuận ngầm với đơn vị thuê QC, nên giá cả có thể bị đẩy lên, hạ xuống mà không đơn vị nào kiểm soát được. Đó là chưa kể, hầu hết các DN này đều tồn tại trong tình trạng trốn thuế, thuê đất sử dụng sai mục đích… Việc làm này vô hình chung gây khó dễ cho các DN thực hiện nghiêm chỉnh quy định của TP về hoạt động QC. Ngoài việc yêu cầu tháo dỡ biển QC vi phạm, rất có thể Đoàn thanh tra sẽ yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra hành vi trốn thuế của hơn 50 DN quảng cáo này.

Quan điểm của Đoàn thanh tra liên ngành của TP là không khoan nhượng với bất kỳ 190 biển QC đứng độc lập và 149 hộp đèn QC trên dải phân cách vi phạm lần này. Bởi vì, theo dự kiến, sau khi tháo dỡ xong toàn bộ biển bảng vi phạm, Sở VH&TT Hà Nội sẽ trình UBND TP Quy hoạch QC ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến 2030. Sau khi Quy hoạch được ban hành, toàn bộ vị trí được phép dựng biển QC sẽ được đấu thầu công khai. Điều này đòi hỏi các DN nghiêm túc thực hiện quy định của QC, đảm bảo mỹ quan đô thị của TP.