Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến rác thải thành tài nguyên

Bài, ảnh: Nguyễn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên 77% khối lượng chất thải rắn tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức chôn lấp trực tiếp, trong đó có đến 80% là bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Quá trình tự phân hủy của rác thải sinh ra những chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của con người.

Hạn chế về công nghệ xử lý

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tổng số lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn cả nước từ 32.000 – 35.000 tấn/ngày, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 45%, với các loại chất thải rắn phát sinh từ sản xuất công nghiệp, y tế và sinh hoạt hàng ngày.
 Rác thải được coi là nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng điện và phân vi sinh.
Trung bình mỗi năm lượng rác thải rắn phát sinh tăng khoảng 10%, tuy nhiên, tỷ lệ thu tại khu vực nội thành mới đạt khoảng 85%, khu vực ngoại thành đạt khoảng 60%, khu vực nông thôn 40 - 55%. Đáng chú ý, 77,5% khối lượng chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, trong đó có tới 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Đây là nguồn ô nhiễm trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của con người.

Theo TS Nguyễn Quang – Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ Gia cư (UN-Habitat) Việt Nam, ở Việt Nam đã có một số nhà máy xử lý rác thải để sản xuất phân vi sinh nhưng nhìn chung công nghệ xử lý chất thải rắn còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa có ý thức phân loại rác thải tại nguồn, gây khó khăn cho việc xử lý rác thải. Phần lớn khối lượng rác thải (đặc biệt là chất thải rắn) được xử lý bằng cách chôn lấp trực tiếp hoặc đem đốt.

Tập trung kêu gọi đầu tư

PGS.TS Nguyễn Thị Vinh – nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, đối với các nước tiên tiến trên thế giới, rác thải được coi là nguồn tài nguyên, nguồn năng lượng thay thế để sản xuất điện năng và dùng để sản xuất phân vi sinh.

"Trước mắt, cần huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện từng địa phương. Ưu tiên xây dựng nhà máy tái chế chất thải theo hình thức liên kết vùng, liên tỉnh và triển khai cổ phần hóa các DN Nhà nước cung cấp dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt." - Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, PGS.TS

Nguyễn Thị Vinh
Ở Việt Nam, công nghệ xử lý rác thải thành điện năng và phân vi sinh đã được đưa vào thực nghiệm ở một số địa phương như Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Thuận, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội... bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Vinh, phương pháp này mới chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải, do nguồn rác thải này chưa được phân loại tại nguồn. Bên cạnh đó, do chưa tuyên truyền tốt nên phân hữu cơ từ rác thải của nhiều nhà máy sản xuất ra không bán được hàng.

Trước thực trạng lượng rác thải tại các đô thị ngày càng phát sinh do dân số tăng nhanh, các chuyên gia khuyến cáo cần thúc đẩy đầu tư dây chuyền công nghệ để có thể tái chế, xử lý chất thải rắn. Chuyên gia thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng nhìn nhận, nếu tận dụng được nguồn năng lượng từ tái chế rác thải, Việt Nam không những giảm thiểu được các nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm được quỹ đất vốn ngày càng khan hiếm. “Muốn đất nước phát triển bền vững, không còn cách nào khác, phải tính đến việc sử dụng công nghệ tái chế rác thải, đặc biệt là công nghệ biến rác thải thành điện năng phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Công nghệ điện rác đang là xu hướng của thế giới” - vị chuyên gia này cho hay.