Tuy nhiên, câu hỏi bao giờ chấm dứt được tình trạng này mới thật sự là điều được quan tâm. Tại cuộc giao ban giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở, ngành cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp, đôn đốc các quận, huyện tập trung triển khai việc gắn biển số nhà, hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Đây có thể coi là một động thái tích cực để đưa trật tự các con số trên mỗi tuyến đường, ngõ phố Thủ đô về đúng chỗ của nó.
Lộn xộn
Theo thống kê của Sở Xây dựng, tình trạng biển số nhà lộn xộn hiện diễn ra ở nhiều quận, nhất là trên tuyến đường mới mở, mới cống hóa. Điển hình như đường Vành đai 1, phố Trần Đại Nghĩa, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Xã Đàn... Số nhà chưa thống nhất cũng xảy ra tại các tuyến phố Thi Sách, Ngô Thì Nhậm, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Đặng Thùy Trâm… Đặc biệt, tại ngõ chùa Mỹ Quang, phố chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), còn tồn tại khoảng 20 hộ gia đình trùng địa chỉ.
Ba ngôi nhà sát cạnh nhau nhưng lại có 3 số nhà cách nhau hàng chục đơn vị trên phố Thanh Nhàn. Ảnh: Vũ Lê |
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt của nhiều tuyến phố đã thay đổi nhưng việc đánh số nhà lại chưa theo kịp, đã khiến nảy sinh nhiều bất cập cho cả người dân và các cấp quản lý. Bà Phan Thị La, chủ nhà số 118 phố Yên Lãng than thở: “Hiện, phố Yên Lãng đã được gắn biển số nhà, nhưng không hiểu sao trên mặt phố này cách nhà tôi hơn chục nhà cũng có số 118. Chính vì sự trùng lặp này mà hàng ngày tôi phải làm người chỉ đường bất đắc dĩ cho cả trăm lượt người hỏi thăm tìm địa chỉ. Khi có thắc mắc thì được giải thích là hai số nhà trên cùng một phố nhưng lại thuộc 2 phường Thịnh Quang và Láng Hạ. Để đỡ phiền, tôi đã treo cả hai biển số cũ và mới”. Còn đối với chính quyền phường Quỳnh Mai, việc đánh số cho dãy nhà tại phố Thanh Nhàn với khoảng gần 40 căn hộ đoạn từ phố Kim Ngưu đến phố Quỳnh Lôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo giải thích của Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Bình, chính người dân không muốn chuyển từ số cũ sang số mới vì sợ “lằng nhằng” khi phải thay đổi hàng loạt giấy tờ như CMND, hộ khẩu, sổ đỏ… Tuy nhiên, nhà mặt phố thường là cửa hàng cửa hiệu, không thể một ngày không có địa chỉ giao dịch nên người dân đã tự đặt số cho ngôi nhà của mình.
Thế nhưng, ngoài lý do trên, việc số nhà lộn xộn chủ yếu là do quy hoạch và kế hoạch thực hiện bất cập của cơ quan quản lý. Theo Sở Xây dựng, mỗi tuyến phố được hình thành sau khi được đặt tên mới đủ điều kiện để rà soát đánh biển số nhà theo quy định. Tuy nhiên, việc đặt tên đường, phố thường thực hiện sau khi mở đường khoảng 2 năm. Trong thời gian đó, người dân đã tự gắn số nhà với nhiều dạng khác nhau, chính quyền địa phương có chấn chỉnh cũng không giải quyết được triệt để. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến đường, khu vực hai bên là các ô đất dự án, ki ốt nên theo quy định của Quy chế không thuộc đối tượng được đánh số nhà, người dân tự ý gắn biển, dẫn đến tình trạng lộn xộn số nhà. Mặt khác, việc chỉnh trang đô thị sau khi mở đường cũng là một phần nguyên nhân, do có một số thửa đất còn phải chờ hợp thửa hoặc xử lý theo quy định nên UBND quận chưa tổ chức đánh số hoặc lập số nhà dự trữ, dẫn đến việc người dân tự ý treo biển.
Cùng vào cuộc để dẹp loạn
Ngày 25/1/2014, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn TP. Trong đó nêu rõ trách nhiệm liên quan của các Sở Xây dựng, Tài chính và UBND phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, sự tuân thủ của người dân cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn số nhà một cách trật tự, khoa học. Có thể khẳng định điều này qua việc gắn số nhà tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Tính đến cuối tháng 8/2016, phường Vạn Phúc đã rà soát, thống kê với số lượng biển số nhà cần phải gắn là 3.299 trường hợp. UBND phường đã triển khai gắn được 2.164 biển số nhà, còn lại hơn 1.000 trường hợp chưa lập được hồ sơ do các hộ dân không nộp kê khai hoặc không đủ điều kiện (như xây dựng không phép).
Để quyết liệt chấn chỉnh lại công tác này, tại cuộc giao ban với các sở, ngành cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp, đôn đốc các quận, huyện tập trung triển khai việc gắn số nhà, hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Xây dựng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã từ nay đến hết năm 2016 ưu tiên kiểm tra, rà soát và bổ sung vào kế hoạch đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng cho toàn bộ các tuyến đường, phố đã được đặt tên từ năm 2015 trở về trước nhưng chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thành. Đối với 15 quận, huyện, thị xã có tuyến đường, phố mới đặt tên (26 tuyến) và kéo dài (6 tuyến) trong năm 2016, Sở yêu cầu xây dựng kế hoạch và hoàn thành việc gắn biển (số nhà và chỉ dẫn công cộng) trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, về lâu dài để việc gắn biển số nhà đi vào nền nếp, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch đặt tên, đổi tên đường phố hằng năm đồng bộ với đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa hiện nay. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Sở VH&TT trong việc kiểm tra, khảo sát hiện trạng khi đặt tên đường, phố, nghiên cứu, đề xuất cơ chế để đẩy nhanh công tác đặt, đổi tên đường phố trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu.