Buổi lễ có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định và đông đảo nhân dân trong tỉnh.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành được làm bằng đồng, cao 15,5m, đặt trong không gian rộng hơn 3.100 m2.
Nhà điêu khắc Vũ Đại Bình là tác giả bức tượng, cho biết, đây là bức tượng duy nhất trong cả nước khắc họa hình ảnh Bác Hồ đứng cùng cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tượng có bố cục: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng ở phía Bắc, Nguyễn Tất Thành ở phía Nam, cha con cùng nhìn ra hướng Biển Đông.
Theo nhiều tài liệu, Nguyễn Tất Thành từng theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Định trong thời gian cụ làm Tri huyện Bình Khê. Sự kiện tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành chính là biến cố Bình Khê, khi người cha thân yêu bị giáng chức. Ở tuổi 20, nhận rõ hơn bao giờ hết tình cảnh đen tối, bế tắc của đất nước, Nguyễn Tất Thành đi đến chọn lựa quan trọng là vượt trùng dương sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Không chỉ là nơi diễn ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành, mảnh đất Bình Khê, Bình Định cũng là nơi chứng kiến cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp cuối cùng và diễn ra cuộc chia tay lịch sử của hai cha con để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu dân, cứu nước và không bao giờ được gặp lại người cha thân yêu của mình nữa.
Tượng đài thể hiện cuộc chia tay lịch sử của hai cha con. Cuộc gặp này được cho là cuối cùng của Bác Hồ với người cha thân yêu trên Tổ quốc Việt Nam, vì khi Bác trở về nước vào năm 1941 sau 30 năm bôn ba, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành được xây dựng nhằm ghi lại dấu ấn về thời trai trẻ khi Bác Hồ trăn trở với nỗi đau mất nước, khát khao hướng tới một chân lý cao cả, tìm đường cứu nước cứu dân. Tượng đài là niềm tự hào của nhân dân Bình Định, đồng thời là điểm nhấn cho đô thị và là nơi thu hút du khách khi đến Bình Định.