Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình ổn thị trường thịt lợn: Siết đường tiểu ngạch sang Trung Quốc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao khiến người tiêu dùng lo lắng về nguồn cung những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn sang Trung Quốc.

Kiểm soát vận chuyển lợn tại trại chăn nuôi Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam. Ảnh: Trọng Tùng
Giá thịt lợn sẽ còn tăng cao
Theo thống kê, tại Trung Quốc, từ tháng 8/2019 đến nay đã có 158 ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại 32/32 tỉnh. Khoảng 1,17 triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, theo các hãng tin quốc tế và chuyên gia, con số này thực chất có thể lên tới... 200 triệu con lợn. Dự kiến đến cuối năm 2019, số lợn bị tiêu hủy sẽ chiếm 55% tổng đàn của Trung Quốc. Việc tổng đàn lợn bị tiêu hủy lớn khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm mạnh, giá thịt lợn tại một số tỉnh của Trung Quốc đã lên tới 150.000 đồng/kg.
Giải pháp thị trường được xem là rất quan trọng để bình ổn giá thịt lợn. Theo đó, cần tuyên truyền chính xác, khách quan tình hình cung cầu thịt lợn. Về lâu dài, cần bảo đảm thương mại quốc tế lành mạnh, cái gì chính ngạch thì xuất nhập khẩu. Có như vậy mới bảo đảm ổn định được thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Điều lo ngại, do giá lợn tại Trung Quốc cao gấp hơn 2 lần giá lợn ở Việt Nam nên dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn sang thị trường này để kiếm lời. Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, xuất khẩu thịt lợn theo đường tiểu ngạch tăng thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn trong nước bị đẩy lên cao, trung bình hiện khoảng 57.000 đồng/kg, cá biệt có nơi như Hà Nội lên tới 60.000 – 62.000 đồng/kg. Nhưng con số này theo nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2019 và cả đầu năm 2020.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, việc xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung trong nước, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng tăng cao. Không chỉ vậy, việc buôn bán thịt lợn theo đường tiểu ngạch giữa còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm về Việt Nam. 
Hướng tới xuất khẩu chính ngạch
Tại Việt Nam sau gần 9 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đã có khoảng 5,7 triệu con lợn trên cả nước bị tiêu hủy. Điều này dẫn tới nguồn cung thịt lợn trong nước giảm hơn 8,2% so với cùng kỳ, tương ứng với trên 320.000 tấn. Do đó, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm, cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Tính đến đầu tháng 10/2019, cả nước đã nhập khẩu trên 15.000 tấn thịt lợn các loại, trị giá gần 30 triệu USD. Sản phẩm chủ yếu là chân giò, xương sụn, sườn, ba chỉ, thịt ức, thịt vai… Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, giải pháp này không thật sự bền vững. Chính vì vậy, bên cạnh nghiên cứu tăng đàn, tái đàn tại những nơi bảo đảm an toàn sinh học, việc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc được các bộ ngành đặc biệt quan tâm.
Để kiểm soát tình trạng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới, vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh đã ban hành chỉ thị đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các tỉnh biên giới tích cực phối hợp, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, ra – vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để bình ổn thị trường thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2020, cùng với kiểm soát đường tiểu ngạch lợn và sản phẩm từ lợn sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT chủ trương tăng đàn, tái đàn ở những nơi an toàn dịch bệnh. Thực tế, Việt Nam đang có cơ hội tương đối tốt để thực hiện điều này, bởi đến nay, chúng ta vẫn giữ được đàn giống hạt nhân cụ kỵ và ông bà khoảng 109.000 con; vẫn có tất cả các mô hình từ quy mô công ty đến trang trại, hộ chăn nuôi lớn, vừa và nhỏ bảo đảm an toàn sinh học.