Bình tĩnh, linh hoạt trong điều hành lãi suất, tỷ giá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể đưa ra làm gia tăng sức ép đối với các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á trong đó có Việt Nam.

Lãi suất duy trì ổn định

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đứng trước lựa chọn giữa việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, hay tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến xuất khẩu gặp khó, dòng vốn đầu tư từ Mỹ đảo chiều và gây áp lực tăng lãi suất lên NHNN, các nền kinh tế lớn toàn cầu đều trong xu hướng tăng lãi suất điều hành. Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ việc các nước phát triển thắt chặt tiền tệ trong đó có Mỹ.

Bởi lẽ, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, có thể khiến cho dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng chậm lại.

Đến nay, lãi suất điều hành vẫn được NHNN giữ nguyên. Việt Nam đang hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế nhân cơ hội lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt. Khả năng cao là NHNN tiếp tục giữ những bước đi trung lập trong chính sách tiền tệ để phản ứng linh hoạt với từng biến động của thị trường. Vậy những nguồn lực mà chúng ta đang có trong tay để duy trì quan điểm linh hoạt này là gì?

Hiện tại mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang vào khoảng 3,65%. Tỷ lệ cho vay bán lẻ của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức 31% năm 2015 lên 45% vào cuối quý I/2022. Đây là những mảng cho vay với lãi suất cao hơn so với cho vay DN thông thường, qua đó góp phần cải thiện NIM liên tục cho ngành khi cơ cấu tín dụng thay đổi theo hướng bán lẻ.

Nhìn vào báo cáo tài chính 6 tháng qua cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng tăng cao, trong đó bán lẻ đóng góp rất lớn. Điều đó hàm ý rằng khi cần các gói hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế đối với nhóm đối tượng ưu tiên, đặc biệt là những nhóm ngành sản xuất thiết yếu, thì mức điều chỉnh của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất lớn nên sẽ dễ chấp nhận co hẹp NIM để hỗ trợ nền kinh tế.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

 

Áp lực lạm phát không còn căng thẳng như nửa đầu năm 2022 do giá dầu được kỳ vọng điều chỉnh. Đồng thời, chính sách tài khoá sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Chính phủ cần điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục… từng bước các gói hỗ trợ DN, hỗ trợ người dân hậu đại dịch. Qua đó giúp giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, DN. TS Nguyễn Hữu Huân - trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam không có yếu tố lạm phát chi phí đẩy (lạm phát do bơm tiền), nên NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng không làm giảm lạm phát, lại còn đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Ông lưu ý thêm, một yếu tố thúc đẩy lớn là giá dầu trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt rõ rệt, giá xăng dầu trong nước cũng đã giảm mạnh gần đây.

Cùng quan điểm, ông Michael Kokalari - chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital dự báo, khó có khả năng NHNN Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay. “Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có khả năng duy trì tốt trong phạm vi nhắm đến. Tức lạm phát trung bình của năm không vượt quá 4%, nên rất khó có khả năng NHNN Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay. Việt Nam vẫn duy trì ổn định trong thời gian qua, thể hiện quyết tâm duy trì lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế của NHNN” - ông Michael Kokalari đánh giá.

Tiền đồng khó mất giá mạnh

Chỉ trong hơn nửa đầu tháng 7, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng đến 135 đồng, đánh dấu đà tăng nhanh đáng chú ý trong nhiều năm trở lại đây.

Giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận mức tăng từ 180 - 200 đồng từ đầu tháng 7 đến nay. Tỷ giá USD/VND đã tăng khá mạnh trên thị trường chợ đen cho thấy áp lực khá lớn đối với tỷ giá trong thời điểm hiện tại. NHNN đã chủ động bán ra một lượng USD khá lớn để bình ổn nhu cầu thị trường, và giữ ổn định tỷ giá, hút bớt lượng VND ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại.

Hiện tại, tiền đồng đã mất giá so với đô la Mỹ khoảng 2 - 2,5% kể từ vùng đáy 22.670 đồng, thiết lập trong khoảng nửa đầu tháng 1 năm nay. Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la Mỹ (USD Index) đã có lúc chạm mốc 109 điểm, cao nhất trong 20 năm qua, đánh dấu mức tăng đến 4,3% so với đầu tháng 7 và tăng gần 14% so với đầu năm nay.

Như vậy, có thể thấy mức tăng của tỷ giá USD/VND trong nước vẫn thấp hơn đáng kể so với đà leo thang của đồng USD trên thị trường quốc tế, cũng như khi so sánh với đà lao dốc của nhiều đồng tiền khác trong khu vực, cho đến các ngoại tệ mạnh khác như Euro, đô la Úc hay Yên Nhật.

Việt Nam có thể chủ động giảm giá nhẹ VND để đảm bảo lợi thế xuất khẩu nhưng không để mất giá quá mạnh, vì sẽ gây ra áp lực lên việc trả nợ và ổn định kinh tế vĩ mô như nhập khẩu lạm phát.

“Áp lực mất giá mạnh đồng VND là rất khó, vì hiện tại chúng ta có lượng dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu trong 6 tháng đầu năm nên NHNN có nhiều dư địa để bình ổn tỷ giá. Với vị thế của Việt Nam hiện tại hoàn toàn có thể tin tưởng rằng áp lực gây mất giá tiền đồng trong thời gian tới không thực sự đáng lo ngại” - TS Nguyễn Hữu Huân (trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) phân tích.

Theo các chuyên gia, chính sách kiềm chế tỷ giá trong giai đoạn hiện nay có thể đang nhắm đến nhiều mục tiêu, không chỉ đảm bảo giá trị cho tiền đồng, mà còn đảm bảo hoạt động sản xuất trong nền kinh tế được xuyên suốt và liên tục, cũng như góp phần kìm cương lạm phát và kéo theo đó là giữ lãi suất tiền đồng ổn định.

NHNN cho biết vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

 

Việt Nam là quốc gia nhập khẩu rất lớn, với mức dự báo lên tới 300 - 400 tỷ USD trong năm nay, nếu hàng nhập khẩu về nhiều, trong khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ gây áp lực gay gắt lên lạm phát. Chính sách tỷ giá hối đoái phải tạo được niềm tin với các chủ thể tham gia thị trường, đó là: DN xuất nhập khẩu, người dân có ngoại tệ, ngân hàng mua bán phục vụ thanh toán, các nhà đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu mức lạm phát của Việt Nam xấp xỉ 4% trong năm nay, tỷ giá VND/USD tương đối ổn định thì sẽ cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam, và tăng khả năng kêu gọi các dòng vốn từ bên ngoài vào Việt Nam.

Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước