Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ có “cứu” trường ngoài công lập?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tin từ các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm thi cho thấy, điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái và đặt ra câu hỏi về cách ứng xử của Bộ GD&ĐT sao cho vẹn cả đôi đường".

Điểm chuẩn tăng

Ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, chiều 23/7, trường đã chấm xong bài thi môn Toán khối A. Điểm bài thi rất cao, có 12 bài thi môn Toán đạt điểm 10 và rất nhiều bài điểm 9 và 8. Chưa có điểm thi môn trắc nghiệm, nhưng ông Nguyễn Cảnh Lương khẳng định, chưa biết chính xác mức tăng, nhưng điểm chuẩn sẽ tăng. Chắc chắn, nhóm ngành 2 (Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin, Toán Tin) sẽ có điểm cao nhất, vì từ trước tới nay, vẫn là nhóm ngành "hot", nhiều thí sinh (TS) có học lực giỏi đăng ký dự thi. Hai nhóm ngành có điểm chuẩn thấp là nhóm ngành 4 (Vật liệu, Dệt may, Sư phạm, Kỹ thuật) và nhóm ngành 5 (Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật hạt nhân). Năm 2012, điểm chuẩn nhóm ngành 2 là 21,5 điểm, nhóm ngành 4: 18 điểm và nhóm ngành 5: 18,5 điểm.
 
 
Bộ có “cứu” trường ngoài công lập? - Ảnh 1
 
Các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.  Ảnh:  Hải Linh

Học viện Ngân hàng đã chấm xong môn Toán khối A và A1. Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: Điểm bài thi môn Toán cao nhất là 9,75, phổ điểm các môn trắc nghiệm từ 6 - 7 là chủ yếu. Chưa dự kiến điểm chuẩn, nhưng ông Trần Mạnh Dũng cho hay, chắc chắn điểm các ngành không thấp hơn năm ngoái. Điểm chuẩn ngành cao nhất sẽ là Tài chính - Ngân hàng, Kế toán. Dự kiến ngày 27/7, trường sẽ chấm xong bài thi các khối A, A1 và D1.

Là một trong những trường có lượng TS đăng ký dự thi đông nhất ở khu vực miền Bắc, nên ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến hôm nay (25/7) hoàn tất công tác chấm thi. Ông Nguyễn Bá Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, điểm thi khả quan cho nên có thể điểm chuẩn sẽ cao hơn mọi năm. Điểm chuẩn các ngành của trường chắc chắn nhích hơn năm trước khoảng 0,5 điểm.

Các trường “top đầu” sẽ lấy điểm chuẩn là 24 - 25

Đề thi dễ hơn, điểm thi cao hơn, nhưng lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Thủy lợi và nhiều trường khác dự đoán điểm sàn ĐH sẽ không tăng. Lý do được nhiều chuyên gia đưa ra là Bộ GD&ĐT sẽ "cứu" các trường ngoài công lập và một số trường có nguy cơ khó tuyển.

PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, các trường ĐH "top đầu" lấy điểm chuẩn là 24 - 25, nên không quan tâm đến điểm sàn của Bộ. Chỉ có các trường ngoài công lập mới quan tâm đến điểm sàn vì có ít TS đăng ký và học lực của nhiều TS kém hơn các trường công lập. "Điểm sàn nên theo như năm ngoái vì sẽ "chiếu cố" đến các trường ngoài công lập, nếu không sẽ phải đưa ra các phương án tuyển sinh vào mùa xuân, mùa thu, điều này rất không hợp lý. Bởi số TS trượt ĐH rồi, các trường cứ tuyển đi tuyển lại, cố tình để cho đỗ thì không hay" - ông Hóa bày tỏ.

Ông Phạm Thành Công - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Hà Nội - người có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh nhận định, Bộ GD&ĐT đang phân vân về 2 mức điểm sàn nên có thể dung hòa bằng việc giải quyết tổng số TS đạt điểm trên sàn đủ chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ. Khi Bộ vẫn giữ nguyên một mức điểm sàn thì điểm sàn sẽ không tăng, vì trước đây dự kiến 10% trong tổng số hơn 600.000 TS có điểm trên sàn không đi học, mà các trường vẫn không đủ nguồn tuyển, thì Bộ phải nới ra để đạt 700.000 TS trên sàn. "Nếu mức điểm thi của TS cao hơn năm ngoái từ 1 đến 1,5 điểm thì mới tăng điểm sàn, còn tăng dưới 1 điểm thì có lẽ Bộ sẽ không tăng" - ông Phạm Thành Công dự đoán.