Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công an sẽ đề xuất điều chỉnh nếu "phạt đèn vàng như đèn đỏ" bất cập

theo Dân Trí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - cho biết, sau một thời gian thực hiện, nếu thấy việc xử phạt vượt đèn vàng bằng mức phạt vượt đèn đỏ có nhiều bất cập thì Bộ Công an sẽ đề xuất điều chỉnh.

Thiếu tướng Trần Thế Quân
Thiếu tướng Trần Thế Quân
- Thưa ông, kể từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nâng mức xử phạt “vượt đèn vàng” bằng với mức phạt “vượt đèn đỏ” đã gây tranh cãi dữ dội trong dư luận. Khi xây dựng dự thảo nghị định trước đây, Bộ Công an có góp ý vào việc này không?

- Nghị định 46/2016 của Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải xây dựng. Chúng tôi có nhiều góp ý nhưng chỉ mang tính chất chung thôi. Trước đây chúng tôi đã từng đề xuất rằng ngành công an xử phạt về vi phạm giao thông đường bộ là chính nên giao Bộ Công an xây dựng các nghị định về xử phạt nhưng Bộ Giao thông vận tải không chịu nên sau này mới nảy sinh chuyện cứ sửa đi sửa lại rất nhiều quy định trong lĩnh vực giao thông, lúc thì sửa lắt nhắt, lúc thì phải sửa tổng thể.

Riêng việc xử phạt đối với lỗi vượt đèn vàng thì trước đây cũng có quy định rồi nhưng lần này gây tranh cãi ở chỗ nâng mức phạt vượt đèn vàng bằng với vượt đèn đỏ.

Về nguyên tắc theo luật, khi nhìn thấy đèn vàng thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch. Đấy là quy định. Trường hợp đã qua vạch mà đèn vàng thì tiếp tục đi tiếp qua ngã tư, không ai cấm cái đó cả nên nếu đánh đồng chỗ đó mà bảo bỏ đèn vàng để tránh chuyện húc đít nhau là không đúng. Có người bảo cứ đèn vàng là phải dừng là hiểu chưa đúng.

Cái này Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải phải đứng ra trả lời, lập luận để người dân hiểu. CSGT chỉ căn cứ vào luật và các hướng dẫn để thực hiện thôi.

- Nhưng trả lời báo chí vừa qua, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia - cho rằng việc lái xe cơ giới vượt đèn vàng bị CSGT xử phạt như vượt đèn đỏ là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 và không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng. Theo ông Tạo, khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu với các ý nghĩa như sau: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Tín hiệu màu vàng chỉ cảnh báo cho lái xe nhanh chóng dừng lại trước vạch dừng vì sắp có tín hiệu đèn màu đỏ chứ không cấm người lái xe chạy qua vạch dừng?

- Về nguyên tắc đèn vàng phải giảm tốc độ, nhưng thói quen của người dân không chỉ vượt đèn đỏ mà đèn vàng cũng tăng tốc nên gây xung đột và dễ dẫn tới tai nạn. Những người xây dựng Nghị định 46 đã căn cứ theo chiều hướng tâm lý đó để quy định như vậy.

Tôi cho rằng cứ áp dụng quy định này một thời gian, nếu thấy bất cập thì Bộ Công an có thể đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp. Nếu giao Bộ Công an thì chúng tôi sẽ làm kỹ hơn ở những quy định như thế này.

- Có ý kiến cho rằng, thay vì xử phạt vượt đèn vàng thì chỉ cần lắp đặt camera tại các ngã ba, ngã tư, tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và làm thật nghiêm thì sẽ tránh được những tranh cãi, đảm bảo răn đe tốt hơn?

- Phạt nguội rất tốt, CSGT ngoài đường cũng bớt tiêu cực hơn nhưng có một điểm không đồng bộ là hiện nay các phương tiện, đặc biệt là xe máy của chúng ta không chính chủ còn rất lớn. Trước đây đã định xử phạt những người không chuyển quyền sở hữu rồi nhưng bị phản ứng, giờ mà áp vào xử thì cũng khó xử được chính chủ. Nhiều người sở hữu xe nhưng lại không phải người điều khiển chiếc xe tại thời điểm vi phạm nên rất khó.

Xã hội chúng ta cũng chuộng chi tiêu tiền mặt nên việc xử phạt nguội trừ vào tài khoản cũng chưa thể thực hiện được. Đây là một quy phạm rất văn minh, làm bằng kỹ thuật nhưng phải có những điều kiện đi kèm thì mới làm được.

Tôi thấy nhiều nước ý thức chấp hành pháp luật của người dân rất tốt, nên quy định của họ không quá chi tiết như ở nước ta. Người dân mình hay tìm sơ hở để tranh cãi, chống lại nên quy định pháp luật phải quy định chi tiết, mà cái gì càng chi tiết thì càng không bao giờ theo kịp được thực tiễn.

- Xin cảm ơn ông!