Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 340 tỷ USD vào năm 2025

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương vừa hoàn thành việc xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Tại báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu hoàn thành. Cụ thể:

 Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam
Về phát triển công nghiệp, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2025 đạt trên 35%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Hình thành thí điểm được một số cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa trong một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm.
Về phát triển xuất nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7 - 10%/năm.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 4,9%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 330 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 6%.
Về phát triển thương mại trong nước: Giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP vào năm 2025. Tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9 - 9,5%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng 35 - 40%.
Phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như: Sở giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại.
Để đạt được mục tiêu, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều giải pháp như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng kết cấu hạ tầng động bộ. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Thực hiện triển khai, Bộ Công Thương giao Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư căn cứ nội dung kế hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành công thương ở địa phương mình. Tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch trên địa bàn. Ban hành cơ chế, chính sách phát triển ngành công thương địa phương theo quy định và hướng triển khai trên địa bàn.