Bộ Công Thương kiến nghị từ 1/5 cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký báo cáo số 2976 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả của Đoàn kiểm tra về tình hình sản xuất, xuất khẩu, tồn kho thóc gạo và ý kiến đề xuất, nếu có, về phương án điều hành xuất khẩu tháng 5/2020 và thời gian tới.

Cụ thể, về tình hình sản xuất Bộ Công Thương cho biết năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó, vụ Hè Thu có sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc. Bộ Công Thương dẫn văn bản số 2092 của Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc.
Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn
Bộ Công Thương nhấn mạnh về nguồn cung thóc gạo, vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; vụ Đông Xuân tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa.
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân năm 2020 vùng Đông bằng sông Cửu Long tính đến nay đã chính thức đạt được sản lượng thóc gạo như dự báo.  Lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng gạo "gối đầu" từ năm trước chuyển qua). Vụ Hè Thu sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc.
Dự kiến lượng gạo hàng hóa của vụ Hè Thu có thể xuất khẩu là khoảng 2,3 - 2,4 triệu tấn. Với tính toán của Bộ Công Thương, với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn.
Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm trở lại đây, với năng lực thông quan của các cảng/cửa khẩu quốc tế hiện nay, ta chưa khi nào xuất khẩu được 700.000 tấn gạo/tháng. Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700.000 tấn, vẫn còn tồn ít nhất là 600.000 tấn gạo trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ.
Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3/2020."Có thể khẳng định ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/5, dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ. "Kể từ ngày 1/5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo"- Bộ Công Thương kiến nghị.
Tính đến 26/4 các DN đã đăng ký 521 tờ khai xuất khẩu 399.999,63 tấn  gạo qua các cửa khẩu quốc tế tại TP Hồ Chí Minh (442 tờ khai, tương đương 304.846,75 tấn, chiếm 76,21%). Hiện đã xuất khẩu được 185.634,59 tấn (chiếm 46,41% tổng lượng hạn ngạch 400.000 tấn), còn 214.365,14 tấn đã đăng ký nhưng chưa xuất khẩu (chiếm 53,59%). Hiện số lượng gạo đã được đưa vào cảng từ ngày 24/3 đến hết ngày 21/4 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan, được xác nhận bởi DN, đơn vị kinh doanh cảng và cơ quan hải quan là 55.446,68 tấn.