Không có giám thị bị đình chỉ làm công tác thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, đề thi tất cả các môn được bảo mật, an toàn tuyệt đối ở tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng thi (HĐT), các phòng thi và thí sinh. Đề thi có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT.
Đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí gắn với những vấn đề thời sự, thực tiễn đời sống, chính trị - xã hội, đồng thời yêu cầu thí sinh phải có kiến thức liên bộ môn. Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK). Trong đề thi các môn trên có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo, đây là vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh.
Trong công tác chấp hành quy chế của thí sinh (TS) và cán bộ tham gia tổ chức thi năm nay tiếp tục được nâng cao và có nhiều tiến bộ. Cả kỳ thi, trên toàn quốc có tổng số 11 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có giám thị vi phạm quy chế thi.
Bên cạnh những mặt được của kỳ thi năm nay thì vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục trong quá trình tổ chức thi. Số ít cán bộ, giáo viên còn chưa thuần thục trong việc thực hiện nhiệm vụ coi thi hoặc có biểu hiện thiếu sâu sát trong khi làm nhiệm vụ. Đáng lưu ý, tại một số HĐT, việc phân công nhiệm vụ cán bộ coi thi, bố trí phòng thi đối với các môn có ít thí sinh đăng ký dự thi chưa thực sự khoa học. Tuy nhiên đã được góp ý và điều chỉnh cho phù hợp trong những ngày thi tiếp sau.
“Kỳ thi năm nay đổi mới đúng hướng!”
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong việc đổi mới từ việc thí sinh phải thi 6 môn còn 4 môn, với 2 môn bắt buộc còn lại cho thí sinh tự chọn.
Vấn đề nhận được sự quan tâm của báo giới là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ tiếp tục đánh dấu sự đổi mới trong cách ra đề thi mở; đáp án chấm sẽ như thế nào để có sự tương thích. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Đề mở, đáp án phải mở. Đáp án đóng sẽ không phát huy tác dụng”.
Hiện Bộ đang tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chấm để chuyển cho các địa phương kịp thời. Đây là do đáp án mở, theo đề thi mở bởi vậy Bộ phải cân nhắc, có thời gian đủ cho chuyên gia xem xét có hướng dẫn chấm tốt nhất, bảo đảm kịp thời cho các hội đồng chấm thi làm việc.
“Đối với đề mở, quan trọng hướng dẫn chấm. TS có thể làm theo những đáp án khác nhau, cách trình bày khác nhau, thể hiện được ý tưởng, tư duy của mình, có thể tác động đến tình cảm người khác miễn sao không trái với thuần phong mỹ tục, với pháp luật...” - ông Hiển cho biết thêm.
Ngoài ra, một số ý kiến của dư luận rằng đề thi Ngữ văn có câu khó. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đề thi tốt nghiệp không yêu cầu quá cao với học sinh, mà bảo đảm dựa trên kiến thức cơ bản. Thực tế có những em học sinh giỏi, học sinh trung bình nên đề phải có những câu khó để phân loại thí sinh. “Đó là chuyện bình thường. Bộ cũng đang chỉ đạo nâng dần các câu hỏi vận dụng kiến thức, tư duy cao trong quá trình dạy và học để nâng cao chất lượng” - Thứ trưởng Hiển nói. Bên cạnh đó, trong những năm tiếp theo Bộ sẽ tiếp tục thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ về việc đổi mới đề thi, đồng thời có báo cáo Chính phủ vào thời điểm phù hợp.
Bộ GD-ĐT thông tin vụ việc tại HĐT Nam Lương Sơn
Bộ GD-ĐT không đồng tình với những thông tin đưa lên dư luận để gây nhiễu. Cụ thể là những hình ảnh “quay bài tập thể” tại HĐT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) do thầy giáo Đỗ Việt Khoa đưa lên trên trang facebook cá nhân. “Những hình ảnh này không có ý nghĩa trong việc phản ánh tiêu cực. Bộ chưa tiếp nhận được và mong muốn có sự hợp tác tốt để xử lý nghiêm khắc theo quy chế thi” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.
Thực tế, tại HĐT Nam Lương Sơn, Bộ đã nắm được thông tin có máy quay từ bên ngoài. Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề nếu việc làm này không để lọt đề ra ngoài. Bộ đã có yêu cầu Sở GD-DT Hòa Bình kiểm tra, báo cáo. Theo đó, Sở GD-ĐT Hòa Bình khẳng định tại HĐT này không có sự lộn xộn. “Với một hai TS quay ngang quay dọc, được giám thị nhắc kịp thời thì không có gì nghiêm trọng. Nếu sự việc như ở THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), hay Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) những năm trước đây thì Bộ sẽ không bao che, nương nhẹ” - ông Hiển cho biết.
Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết thêm, Bộ đã nhận được phản ánh của thầy giáo Đỗ Việt Khoa về những nghi vấn tiêu cực thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình). Ngay đêm hôm đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT Hòa Bình vào cuộc xử lý. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm nếu có đầy đủ bằng chứng.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời thông tin phản ánh Trường THPT Nam Lương Sơn thu 300.000 đồng của thí sinh đễ hỗ trợ thi tốt nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho biết Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đã chủ động báo cáo tình hình này và đến nay nhà trường cho biết đã trả lại tiền cho phụ huynh và học sinh ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
|
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi kéo dài từ ngày 2 đến 4/6, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, thành lập 2.352 Hội đồng thi (HĐT), huy động 115.905 cán bộ, giáo viên coi thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi so với số đăng ký dự thi ở tất cả các môn đều đạt trên 99,5%. |
Hình ảnh cắt từ video được thầy Đỗ Việt Khoa ghi lại tại HĐT Nam Lương Sơn.
|