Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT luôn "trăn trở" về đào tạo tiến sĩ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước nhiều ý kiến của cộng đồng khoa học và các chuyên gia về Quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ: “Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã có những ý kiến thẳng thắn, đa chiều, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm, sự trăn trở về giáo dục đại học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng ở nước ta...”

Liên quan đến Quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Yếu tố cốt lõi của tự chủ đại học là tự chủ học thuật. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học với nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học được trao quyền và trách nhiệm quyết định tiêu chuẩn, chính sách chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu.
Trước ý kiến cho rằng: Thông tư 08 (2017) “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và Thông tư 18 thì “hạ chuẩn” tiến sĩ, theo Thứ trưởng thì: Thông tư 18 chỉ đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 với chính sách chủ đạo là tự chủ đại học. Vì vậy, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật phải được sửa đổi, bổ sung theo cách tiếp cận mới.
Trước đây, đối với đào tạo tiến sĩ, ngoài 2 trường ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh), cả nước áp dụng một quy chế duy nhất với những yêu cầu, tiêu chí chung cho tất cả các trường, các lĩnh vực và ngành đào tạo. Nay quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới chỉ đưa ra những nguyên tắc và yêu cầu chung, tối thiểu, mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng, ban hành và công bố công khai quy chế riêng của mình.
Bên cạnh các quy chế đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành một thông tư khác (Thông tư 17) làm cơ sở xây dựng một bộ chuẩn chương trình đào tạo cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo.
Trong thời gian 2 - 3 năm tới, các hội đồng khối ngành với sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia có uy tín sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng cho các ngành, nhóm ngành thuộc 24 lĩnh vực đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định và phê duyệt các chuẩn này để tất cả cơ sở đào tạo thực hiện.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn
Với cách tiếp cận mới, trên cơ sở các yêu cầu tối thiểu mà Bộ GD&ĐT quy định, các cơ sở đào tạo, cộng đồng khoa học sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường mình, lĩnh vực và ngành của mình.
Khẳng định “Bộ GD&ĐT luôn nghiêm túc lắng nghe một cách đầy đủ, toàn diện ý kiến của cộng đồng khoa học và các chuyên gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục trao đổi với các nhà khoa học để có một cái nhìn tổng thể hơn, khách quan hơn; từ đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến rất hay để triển khai một cách hiệu quả quy chế đã ban hành.
Trên cơ sở tiếp cận tự chủ đại học, kiên định chính sách thúc đẩy đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm chất lượng, trong đó có yêu cầu công khai minh bạch; Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất những chính sách phù hợp hơn trong tuyển dụng và sử dụng người có trình độ tiến sĩ, nhất là trong các cơ sở giáo dục đại học.
“Sự đóng góp của các nhà khoa học sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng văn hóa chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu ở nước ta… Tuy nhiên, trong đổi mới giáo dục ĐH sẽ có những góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Tôi tin tất cả các nhà khoa học và các nhà quản lý như chúng tôi, khi xây dựng và triển khai các chính sách mới đều cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có hội nhập quốc tế. Đó là kỳ vọng và trách nhiệm của toàn xã hội” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.
Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18) thay thế quy chế 08 (năm 2017); trong đó bỏ tiêu chuẩn bắt buộc công bố ít nhất 1 bài báo trên tạp chí ISI/Scopus mà có thể thay bằng “bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên”. Điều này đã nhận được ý kiến đa chiều từ cộng đồng khoa học và các nhà nghiên cứu. Nhiều người cho rằng, quy chế mới là “hạ chuẩn” tiến sĩ, dễ dẫn đến đào tạo tiến sĩ tràn lan, không chú trọng chất lượng. Trước những luồng thông tin trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: "Bộ GD&ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ; đối với những ngành đặc thù thì cần có quy định cho phù hợp”.