Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT: Theo sát diễn biến dịch Covid-19, không dừng năm học ở thời điểm này

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cơ quan này sẽ theo sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 để có hướng dẫn phù hợp và sẽ không dừng năm học ở thời điểm này.

 Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định sẽ không kết thúc năm học vào thời điểm này. Ảnh: Bảo Trọng
Cụ thể, chiều 10/4, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, phía Bộ sẽ theo sát tình hình để kịp thời đưa ra những điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp với các bên liên quan.
Nói về thông tin có nên hay không dừng năm học sau khi kết thúc học kỳ 1, chuyển kỳ 2 sang năm sau, ông Thành cho rằng, sẽ không dừng năm học ở thời điểm hiện tại.
Liên quan đến nội dung liệu học sinh nghỉ quá lâu, chương trình theo dự kiến sẽ không kịp kết thúc trong năm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đưa ra nhận định khả quan, cho rằng sẽ kịp chương trình.
Cụ thể, tính đến ngày 15/4, học sinh đã không đến trường 10 tuần. Trong lúc nghỉ, tuỳ thuộc vào điều kiện khác nhau, có địa phương tổ chức được các lớp học trực tuyến, hay ôn luyện trên hệ thống mạng internet, nhưng cũng có những trường không tổ chức được. Khi tinh giản nội dung ở học kỳ 2, Bộ GD&ĐT lấy thời điểm học bài mới qua hệ thống trực tuyến, truyền hình từ ngày 15/4 để tính toán thời điểm kết thúc chương trình.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giả thiết thời điểm kết thúc năm học vẫn xác định ngày 15/7 như công bố mới đây, khi học sinh trở lại vào ngày 15/4, như vậy, các nhà trường sẽ có 4-5 tuần để dạy học kỳ 2 và đủ theo đúng những nội dung sau tinh giản.
Ở nội dung có tính đặc thù địa phương, có nơi tổ chức được, có nơi chưa tổ chức được các lớp học trực tuyến và xuất hiện ý kiến cho rằng nên kết thúc năm học ở học kỳ 1. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho hay, như vậy sẽ không công bằng với những địa phương, cơ sở giáo dục đủ điều kiện dạy trực tuyến.
“Dịch bệnh không ai mong muốn, đã gây thiệt hại toàn cầu, ngành giáo dục cũng vậy. Vì lẽ đó, các địa phương, cơ sở giáo dục cần nâng cao tính chủ động, linh hoạt, khắc phục những hạn chế để học sinh có được kết quả đào tạo tốt nhất” - ông Thành nói thêm.