Ngày 14/7, các địa phương có thí sinh phải thi đợt 2 đã họp trực tuyến với Bộ GD&ĐT về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2 cho những thí sinh chưa thể thi đợt 1 do ảnh hưởng dịch bệnh. Mốc thời gian đưa ra là: Thí sinh làm thủ tụ dự thi đợt 2 vào ngày 5/8 và thi chính thức vào ngày 6 - 7/8. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Sở GD&ĐT xin ý kiến UBND cấp tỉnh/TP và phản hồi với Bộ để thống nhất. Đề xuất của các Sở phải dựa vào tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Theo đó, tương tự đợt 1, mỗi Sở GD&ĐT sẽ thành lập một hội đồng thi. Địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít có thể gửi thí sinh đến hội đồng thi của tỉnh, TP lân cận. Bộ sẽ xem xét hỗ trợ công tác in, sao đề thi cho các Sở có ít thí sinh đăng ký dự thi và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi đợt 2.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý những thí sinh diện F0 đã được đặc cách tốt nghiệp THPT ở đợt 1 theo quy chế thi vẫn có thể dự thi ở đợt 2 nếu có nguyện vọng để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Những trường hợp này cần có đơn hủy quyền được đặc cách.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 ngày 7- 8/7 có gần 981.800 thí sinh dự thi. Hiện, còn hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, TP chưa thể thi do ảnh hưởng của Covid-19. Các em này thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong vùng phong tỏa khi kỳ thi đợt 1 diễn ra. Trường hợp thí sinh đã hoàn tất một số môn thi; sau đó điểm thi phải dừng do dịch bệnh phức tạp thì thí sinh sẽ được bảo lưu kết quả các môn đã thi và trong đợt 2, thí sinh sẽ chỉ thi các môn chưa thực hiện.
Theo Bộ GD&ĐT, An Giang là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đợt 2 nhiều nhất, tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định, TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có 170 thí sinh đăng ký dự thi đợt 2.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết việc tuyển sinh ĐH, CĐ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện 1 lần sau cả 2 đợt thi nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Năm 2021, cả nước có hơn 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ là gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55%, xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT các địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối việc lưu trữ bài thi (cả bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận); thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Công tác làm phách và chấm thi sẽ được tiến hành ngay sau khi kỳ thi kết thúc để kịp thời công bố kết quả theo kế hoạch vào 26/7. Tại chuyến kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tai một số hội đồng thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các hội đồng thi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Với những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh. |