Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về "sai sót đề thi Văn THPTQG 2016"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 cho hay, trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Trước đó, ngày 2/7 có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Cụ thể, trong trích đoạn bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ của đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2016 sáng 2/7 có đoạn:

... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Trang 1 của đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016
Trang 1 của đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016
Theo đề thi, đoạn trích này được lấy từ tập Thơ Việt Nam 1945 - 1985 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1985, trang 218. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong bản gốc của bài thơ này không dùng chữ “như bùn” mà dùng từ “như đất cày”. Cụ thể: 

... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Trang 218 cuốn thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp
Trang 218 cuốn thơ Việt Nam 1945 - 1985 ( Bộ GD&ĐT cung cấp)
Trước thông tin trên, tối 2/7, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 cho rằng, về nội dung Phần đọc hiểu: Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 - 1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).

Nội dung trích dẫn: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa / Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn).

"Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi", Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 cho hay.

Tối 2/7 trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Đoạn trích dẫn trong đề thi là đúng với cuốn sách và cuốn sách cũng đúng”. Ông Nguyễn Văn Tùng giải thích: Năm 1979 nhà thơ Lưu Quang Vũ đưa bài thơ Tiếng Việt đến báo Văn nghệ để in, nguyên bản là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Nhưng, các biên tập của báo này đã sửa thành “Ôi tiếng Việt như đất cày và như lụa”.
Trang bìa cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985 do Bộ GD&ĐT cung cấp
Trang bìa cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985  (Bộ GD&ĐT cung cấp)
Nhưng đến 1985, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có kiểm lại các bài thơ xuất bản của năm 1945 đến 1985 thì đã in đúng với bản gốc của nhà thơ là Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa. Nhưng do văn bản trên báo Văn nghệ in năm 1979, cho nên rất nhiều quyển thơ lấy lại nội dung bài thơ được đăng trên tờ báo này có câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày và như lụa”.

Vì thế, cho nên nó dẫn đến phần lớn các văn bản là như vậy. Nhưng mà NXB Giáo dục Việt Nam đã in đúng với nguyên bản mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đã cung cấp. “Đề thi dẫn đúng với cuốn sách và cuốn sách cũng là đúng” - ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định.

Tối nay, đại diện gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cho biết đoạn trích dẫn như trong đề thi Ngữ văn không sai vì nó có 2 dị bản, ban đầu là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”, nhưng về sau có tái bản “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Như vậy là không sai.