Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giao thông công nhận hợp đồng điện tử của Uber, Grab

Theo VnEpress.net
Chia sẻ Zalo

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Bộ Giao thông đề nghị có quy định cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử.
Đánh giá sau 2 năm thí điểm hợp đồng điện tử, Bộ Giao thông khẳng định, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, cần thiết có quy định cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch.
Trong dự thảo nghị định có đề cập quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.

Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông), các xe đang hoạt động có ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, không còn hoạt động theo mô hình thí điểm mà chính thức hóa hoạt động. Theo đó, đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư các địa phương, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương, đồng thời đăng ký với Bộ Giao thông và Tổng cục Thuế để quản lý thuế rõ hơn.

"Các cơ quan thuế sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ, mỗi chuyến đi đều nắm bắt được số tiền qua phần mềm, quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch hơn", ông Ngọc nói.

Lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định, dự thảo nghị định sẽ có thêm các điều kiện với xe hợp đồng và hợp đồng điện tử như phải đăng ký chất lượng dịch vụ, niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, Bộ Giao thông đề xuất bỏ quy định niên hạn của xe taxi không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt, 12 năm đối với địa phương khác tại Nghị định số 86. Thay vào đó, Bộ Giao thông thống nhất niên hạn của xe taxi không quá 12 năm trên toàn quốc để tránh tình trạng gian lận đăng ký ở địa phương khác song hoạt động ở đô thị đặc biệt.

Theo Bộ Giao thông, sau 2 năm thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử, bước đầu được nhiều người dân hưởng ứng và sử dụng do sự tiện lợi của dịch vụ mang lại và với chi phí đi lại hợp lý. Thông qua phần mềm kết nối, hành khách có thể biết được phương tiện nào, tài xế nào và theo hành trình nào để đến điểm đến, biết được giá cước phải trả... Ứng dụng này cũng chỉ cho phép một xe được nhận và đến đón khách, không có tình trạng nhiều xe cùng nhận và chạy đến điểm đón.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu cơ quan tham mưu đề xuất quy định quản lý Uber, Grab đúng quy định, bình đẳng với các loại hình vận tải khác.

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề mỗi năm Uber báo lỗ nghìn tỷ đồng, nhưng thực sự có lỗ không hay "do cạnh tranh không sòng phẳng, giảm giá tối đa để cạnh tranh với taxi truyền thống". Uber muốn hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ đúng loại hình kinh doanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho người dân.

Theo dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, hợp đồng vận tải phải bao gồm các thông tin tối thiểu như thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải ký hợp đồng; thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe); thông tin về người thuê vận tải; biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe; thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng; địa chỉ nơi khởi hành, địa chỉ nơi kết thúc và các điểm đón, trả khách nếu có; cự ly chuyến đi; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình; số điện thoại liên hệ để giải quyết phản ánh, khiếu nại; cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải.