Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giao thông quan tâm đặc biệt gì tại 3 dự án chuyển hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển sang hình thức đầu tư công.

Cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. (Ảnh: Minh Tường).

3 dự án thành phần được chuyển hình thức đầu tư gồm gồm: Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45; Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Cả 3 dự án này đều được chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.

Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép

Trong bản thông cáo báo chí vừa phát đi, Bộ GTVT cho biết, sau khi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển sang hình thức đầu tư công, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Bộ GTVT đánh giá, đây là 3 dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc thực hiện các dự án trong bối cảnh đặc biệt trên cần được đẩy nhanh, nhằm thực hiện được nhiệm vụ kép mà Chính phủ đề ra, đó là chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đánh giá về tiến độ triển khai 3 dự án trên, ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp kiểm điểm tiến độ công việc, để kịp thời đưa ra các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ cũng quán triệt các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức triển khai các dự án. “Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu” - ông Nguyễn Duy Lâm nói.

Cao tốc Mai Sơn - QL5 là 1 trong 3 dự án được chuyển sang đầu tư công (Ảnh: Đình Quang).

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của những cơ quan đơn vị tham mưu, các ban quản lý dự án, tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan. Hoạt động này được thực hiện song song, đồng thời với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Lựa chọn nhà thầu được quan tâm đặc biệt

Một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình triển khai 3 dự án chính là công tác lựa chọn nhà thầu. Bộ GTVT khẳng định, đây chính là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Lãnh đạo Bộ GTVT quán triệt các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên, phải đảm bảo công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Trong đó, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng được 2 tiêu chí quan trọng nhất là năng lực và kinh nghiệm. Đây chính là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và tiến độ thi công. Bên mời thầu là ban quản lý dự án được yêu cầu phải đảm bảo thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, như tổ chức hội nghị để giải đáp các câu hỏi của nhà thầu; đáp ứng đầy đủ hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu; thành lập và ban hành quy chế làm việc tổ chuyên gia đấu thầu phải đáp ứng nhân sự, trình độ, chuyên môn, bảo mật thông tin; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ như lắp đặt camera, khóa niêm phong hồ sơ.

Thông tin cụ thể về công tác đấu thầu các dự án, Bộ GTVT cho biết, ngày 4/9/2020, Ban quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tổ chức đóng, mở thầu 13/13 gói thầu đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, có sự tham gia chứng kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị.

“Kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) ngày 6/8 đến ngày 4/9/2020, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 gồm 5 gói thầu xây lắp, có 60 đơn vị mua hồ sơ mời thầu với tổng số 140 bộ hồ sơ mời thầu. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ mời thầu. Dự án Phan Thiết - Dầu Giây với 4 gói thầu xây lắp có 32 đơn vị mua hồ sơ mời thầu, với tổng số 74 bộ hồ sơ mời thầu.

Trong đó, 10/13 gói thầu có từ 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu; 3/13 gói thầu có ít hơn 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu. "Để đảm bảo minh bạch và tăng thêm số lượng nhà thầu tham gia dự thầu Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các ban quản lý dự án hoàn thiện những thủ tục theo quy định, gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày (đóng thầu, mở thầu vào 14 giờ ngày 14/9/2020)” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam cần chấm dứt tình trạng ''xôi đỗ'' (Ảnh: Hòa Thắng).

Khi nào hết cảnh mặt bằng ''xôi đỗ''?

Trong thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc Bắc Nam. Trong đó, vấn đề đang nhức nhối nhất chính là tình trạng mặt bằng ''xôi đỗ'' vẫn còn phổ biến. Điều này khiến cho các dự án không có nhiều mặt bằng sạch để phục vụ thi công.

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để thúc đẩy quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Chấm dứt tình trạng ''xôi đỗ'' trong giải phóng mặt bằng là 1 trong những nhiệm vụ được Bộ GTVT đặt lên hàng đầu trong thời gian tới, bởi chính vấn đề này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng hiệu quả trong thi công trong thời gian qua.

“Giám đốc ban quản lý dự án phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ, trước lãnh đạo Bộ về tiến độ, chất lượng của dự án. Các cơ quan đơn vị liên quan của Bộ phải tăng cường nhân lực, chủ động giám sát, phối hợp và hỗ trợ các ban  quản lý dự án để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.

Một vấn đề quan trọng nữa là công tác chấm thầu. Về vấn đề này, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay, việc đánh giá các hồ sơ dự thầu phải đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc công bằng, minh bạch, chính xác và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan căn cứ chức năng trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh (nếu có), tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

“Chúng tôi sẽ đánh giá sơ bộ để chọn ra những gói thầu ít vướng mắc nhất, cố gắng đối với mỗi dự án chọn ra 1 gói thầu để có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của hồ sơ mời thầu, đáp ứng thời gian yêu cầu để quyết tâm khởi công xây dựng tối thiểu 1 gói thầu/1dự án vào cuối tháng 9/2020. Các gói thầu còn lại trong tháng 10/2020” - ông Dương Viết Roãn nói.