Thông tin trên được đích thân lãnh đạo Vụ Pháp chế (thuộc Bộ GTVT) cho biết, trong Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) diễn ra ngày 2/6 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tại hội thảo này, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, trong phần quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo Luật đưa ra các quy định liên quan đến nhận diện, trong đó có quy định về việc xe máy phải bật đèn cả ngày.
Những quy định nhận diện này là nội dung được luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến đóng góp của người dân và dư luận, đơn vị soạn thảo đã không quy định "cứng" thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn nhận diện vào ban ngày đối với xe máy. Thay vào đó chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.
Bà Nga khẳng định, bản dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân.
Trước đó, quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện được Bộ GTVT đưa vào dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và người dân. Đa số cho rằng, ta học hỏi nhưng không nên áp dụng quy định của các nước vào thực tế ở Việt Nam.
Cuối cùng, “cha đẻ” của quy định gây tranh cãi này đã phải điều chỉnh “rút lại” ý tưởng do chính mình tạo ra.