Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, đoạn đường sắt đi qua địa bàn quận Hoàn kiếm đã được xây dựng từ năm 1902. Trước đây có tổng số 131 vòm cầu thông thoáng bên dưới.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Nguồn internet) |
Tuy nhiên vì lý do an toàn đối với công trình và giữ gìn vệ sinh môi trường nên vào các năm 1980 -1981 đơn vị đã phối hợp với Hà Nội xây lấp lại; đến nay vẫn còn 127 vòm bị bịt kín.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiết lộ, từ khi có ý tưởng khôi phục các vòm cầu, TP đã nhờ một đơn vị tư vấn của Pháp tìm hiểu, khảo sát.
“Đơn vị này đã quay lại nước Pháp tìm ra được hồ sơ thiết kế của toàn bộ đoạn tuyến cùng các vòm cầu. Qua nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể đục thông, khôi phục lại các vòm này mà không ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ hoàn toàn ủng hộ ý tưởng đục thông các vòm cầu của Hà Nội. “Việc này vừa có ý nghĩa với lĩnh vực giao thông, vừa giúp Hà Nội có thêm không gian phục vụ văn hóa, du lịch, nghệ thuật. Đó là một ý tưởng rất hay” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhìn nhận.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và việc chạy tàu. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng lưu ý, thời điểm xây lấp, một số vòm cầu đã xuất hiện vết nứt. Nếu muốn khôi phục lại, Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng và có giải pháp gia cố, nâng cao độ bền, tuổi thọ cho công trình.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, việc khôi phục các vòm cầu không tốn nhiều tiền, hơn nữa đã có đơn vị đăng ký đầu tư và TP đang xem xét.
“Trước mắt, sau khi nghiên cứu kỹ, xây dựng phương án cụ thể, TP sẽ cho đục thông 1 vòm để thử nghiệm, nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn và mục đích sử dụng sẽ cho làm tiếp” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu ý kiến.