Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ hay giữ môn thi thứ 4 vào lớp 10: Linh hoạt theo hoàn cảnh thực tế

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tình hình hiện nay, nhiều phụ huynh, học sinh mong muốn bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 để giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, vẫn nên thi nếu điều chỉnh kiến thức hợp lý.

 Dạy học trực tuyến, trên truyền hình dù đã được khuyến khích nhưng chất lượng ra sao vẫn là điều đáng bàn. Ảnh: Bảo Trọng

Phụ huynh lo con kiệt sức
Chị Ngọc Phạm, ở quận Đống Đa (có con đang học lớp 9) nhận định, nếu tổ chức thi môn thứ 4 sẽ là quá áp lực bởi hiện học sinh lớp 9 đang phải gồng mình để theo học 5 - 6 chương trình online cùng lúc. Trong khi đó, giáo viên rất sát sao từng bài giảng, từng giáo án, yêu cầu các học sinh rất tỉ mỉ, chu đáo trước mỗi giờ giảng.
Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP cũng như kế hoạch tuyển sinh. Về phương thức tuyển sinh, sẽ vẫn giữ nguyên như năm ngoái, riêng môn thứ 4 thi trắc nghiệm. Do dịch bệnh, khi nào môi trường giáo dục an toàn mới công bố ngày thi vào lớp 10. Môn thi thứ 4 sẽ được thông báo trước 2 tháng sau khi có ngày thi chính thức. Phần thi kiến thức trong chương trình Bộ GD&ĐT đã tinh giản. Việc tổ chức thi môn thứ 4 bản chất là để học sinh cố gắng học tập toàn diện các môn, đảm bảo không bị hổng kiến thức cơ bản.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Phạm Văn Đại
Cùng chung lo lắng, chị Đặng Kim Anh ở quận Hà Đông (có con đang học lớp 9) cho hay, học sinh lớp 9 năm nay nhiều thiệt thòi khi kỳ thi quan trọng đầu tiên lại vào đúng thời điểm đại dịch. Trong khi đó, chất lượng các bài giảng từ mô hình trực tuyến hay trên truyền hình chưa thật sự tạo yên tâm, chưa có những đánh giá cụ thể. “Đến nay, Hải Phòng dự tính thi 2 môn Toán và Văn, trong khi Hà Nội vẫn giữ 4 môn. Hải Phòng và Hà Nội đều là những TP lớn nhưng lại rất khác nhau về định hướng đào tạo” – chị Kim Anh so sánh.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay đều mong muốn giảm áp lực cho học sinh, giảm môn thi thứ 4 để học sinh bớt căng thẳng, lo lắng, trong khi chương trình học online hay trên truyền hình chất lượng chưa được như mong đợi.
Nhiều quan điểm trái chiều
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, thầy Phạm Trung Dũng – Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, việc bỏ môn thi thứ 4 vào THPT là rất hợp lý. Theo phân tích của thầy Dũng, với thời điểm dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần điều chỉnh lịch kết thúc năm học cũng như kỳ thi THPT Quốc gia. “Học sinh có thể được học trực tuyến hay trên truyền hình nhưng đó vẫn là các biện pháp tạm thời, thay thế lúc dịch bệnh. Do đó, tới đây các em thi 3 môn cũng đủ mệt rồi” – thầy Dũng nói.
Theo thầy Dũng, Việt Nam có những giai đoạn học sinh THCS thi lên THPT chỉ có 2 môn, thậm chí, có thời điểm được tuyển thẳng. Do vậy, các cơ quan chức năng cắt giảm môn thứ 4 cũng không quá lạ lẫm.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Vũ Lan Anh – Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm cho hay, với việc học bị gián đoạn như hiện nay nên thôi thi môn thứ 4 để giảm tải cho học sinh là cần thiết.
Thận trọng nhìn nhận vấn đề, thầy Đàm Tiến Nam – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy cho rằng, nên chờ đợi sự điều chỉnh của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Nam, tình huống hiện tại có thể chia làm 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, cơ quan chức năng căn cứ vào khung chương trình của Bộ GD&ĐT để xem xét, cân nhắc, nếu đủ quỹ thời gian, triển khai các lớp bổ sung kiến thức, học bù và thời gian ôn thi thì vẫn có thể tổ chức thi môn thứ 4 bình thường. Trường hợp thứ hai, sau khi cân nhắc, xét thấy việc thi ảnh hưởng đến chất lượng cũng như không đảm bảo yêu cầu, tạo áp lực quá nặng cho học sinh thì có thể thôi môn thi này. “Quan điểm của tôi là phải trấn an được phụ huynh, học sinh, giáo viên. Bởi thực tế ở Hà Nội, việc thi vào lớp 10 luôn có những áp lực rất lớn” – thầy Nam chia sẻ.
Cũng với cách tiếp cận thận trọng, bà Nguyễn Thị Xinh – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông nhận định, đây là vấn đề quan trọng, cần cân nhắc theo hướng có lợi nhất cho học sinh.