“Bở hơi tai” chạy theo giá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi giá dầu thế giới trong mấy ngày qua giảm liên tục, diễn biến thị trường xăng, dầu trong nước chưa hết căng thẳng. Từ 16 giờ ngày 2/5, các mặt hàng xăng trong nước tiếp tục tăng gần 1.000 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh trước, lũy tiến tăng gần 3.500 đồng/lít trong một tháng qua. Giá xăng đang hướng đến vùng cao nhất lịch sử thiết lập vào 6/2014.

 Giá xăng đang hướng đến vùng cao nhất lịch sử thiết lập vào 6/2014
Đây không phải là lần đầu tiên giá xăng trong nước tăng trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới lại giảm. Câu chuyện về quản lý giá xăng, dầu vẫn luôn là đề tài “nóng” trong nhiều năm qua bởi quá nhiều bất cập do tính phi thị trường, tăng - giảm không theo quy luật chung của thị trường, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá luôn là sự bất ổn. Thực tế nguyên tắc điều hành xăng dầu của Nghị định 83/2014/NĐ-CP là vẫn phải tuân theo thị trường và chỉ sử dụng quỹ trong trường hợp bất thường. Nhưng thực tiễn thời gian qua điều hành có đúng quy định hay không, cần phải tổng kết xem lại. Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi.
Trong khi Petrolimex kêu lỗ, âm Quỹ bình ổn, thì mới đây, kết quả kinh doanh của Petrolimex lại cho thấy đi ngược lại những gì DN này than phiền. Quý I/2019, mặc dù doanh thu giảm (giảm 7,6% cùng kỳ) và tăng mạnh chi phí bán hàng nhưng Petrolimex lại lãi lớn. Lợi nhuận trước thuế quý I/2019 đạt 1.568 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 29%, lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.200 tỷ, đồng tăng 33,7%. Như vậy riêng quý I, tập đoàn đã hoàn thành gần 30% kế hoạch năm.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã tự chủ 80 - 90% cung ứng xăng, dầu, cũng nên xem xét thay đổi cách điều hành. Đó là bỏ Quỹ bình ổn để người dân khỏi phải gánh thêm chi phí quản lý, đồng thời kiến nghị bỏ lợi nhuận định mức. Để công bằng với các ngành kinh doanh khác, cùng với điều hành sát diễn biến thị trường, Nhà nước cần sớm bỏ mức lợi nhuận định mức xăng, dầu. Với cơ chế thị trường, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng được.
Cùng với giá xăng, dầu là việc tăng giá của điện, than đã tiếp thêm khó khăn cho người dân, DN. Câu chuyện quản lý “rượt đuổi” theo giá chưa thể chấm dứt vì cơ chế điều hành giá xăng dầu nói chung và giá các mặt hàng độc quyền nói riêng còn nhiều bất cập. Sẽ không thể có cơ chế thị trường điện, than, xăng dầu đúng nghĩa nếu nền tảng cơ bản của thị trường chưa hình thành. Trong khi đó, cơ quan quản lý mới chỉ xử lý theo vụ việc, chưa có giải pháp tổng thể.
Nói như một chuyên gia lâu năm, cứ điều chỉnh như vừa qua, công tác quản lý rối lại càng thêm rối, khó thuyết phục được người tiêu dùng. Nếu còn độc quyền và nhóm lợi ích sẽ càng làm méo mó kinh tế thị trường. Với mức tăng "sốc" của những mặt hàng cơ bản trong các kỳ điều chỉnh gần đây, nguy cơ lạm phát và việc giá cả trong các lĩnh vực khác rục rịch lên theo là điều không khó để dự đoán trước.