Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ KH&CN theo dõi sát mức độ mây phóng xạ: Không đáng lo ngại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 24/3, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), TS Ngô Đặng Nhân cho biết, theo dự báo của các nhà khoa học Na Uy, hôm nay, ngày 25/3, mây phóng xạ sẽ chạm đến phía Nam của Việt Nam. Tuy nhiên, những đám mây này không gây gì nguy hại đến sức khỏe người dân.

KTĐT - Ngày 24/3, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), TS Ngô Đặng Nhân cho biết, theo dự báo của các nhà khoa học Na Uy, hôm nay, ngày 25/3, mây phóng xạ sẽ chạm đến phía Nam của Việt Nam. Tuy nhiên, những đám mây này không gây gì nguy hại đến sức khỏe người dân.

Trước những lo ngại về một số thực phẩm của Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ có thể nhập khẩu vào nước ta, Cục trưởng Ngô Đặng Nhân thông báo, sẽ có các dụng cụ để kiểm tra với những thực phẩm nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam. Nếu phát hiệu có dấu hiệu bất thường sẽ thông báo rộng rãi đến người dân.

Trước đó, theo số liệu quan trắc của các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Bộ KH&CN, ngày 24/3, vẫn chưa phát hiện được việc phát tán phóng xạ ở Việt Nam.

Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đám mây có chứa tác nhân phóng xạ đã phát tán rộng và nhiều trạm quan trắc của tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã ghi nhận được.

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, khả năng các đám mây phóng xạ có vào Việt Nam hay không thì vẫn chưa thể biết được. Các đám mây phóng xạ đo được là dựa trên sự mô phỏng vận động của khí quyển. Bản thân các đám mây phóng xạ cũng sẽ bị phân rã theo thời gian và loãng đi theo không gian. PGS-TS Vương Hữu Tấn nói: "Chúng tôi đang theo dõi thông tin từ thế giới cũng như theo dõi sự thay đổi trong môi trường. Nếu có phóng xạ sẽ kịp thời cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, bụi phóng xạ từ Nhật Bản khó có thể thổi tới VN".

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó GĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Việt Nam nằm ở xa về phía Tây Nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc khu Đông Bắc Nhật Bản), sẽ rất khó có thể bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra.

Bộ KH&CN cho hay, các trạm quan trắc của Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng có thể tới Việt Nam. Tổ công tác sẽ tiếp tục theo dõi sát mức độ phóng xạ môi trường và cung cấp thông tin kịp thời.