Chỉ nửa năm sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết cho việc ra khỏi EU (Brexit), Chính phủ Anh đã nhanh chóng đàm phán và ký kết thỏa thuận thương mại tự do với nhiều đối tác ở bên ngoài châu Âu. Nhưng CPTPP là khu vực mậu dịch tự do kiểu mới đầu tiên mà phía Anh muốn tham gia.Sau khi ra khỏi EU, nước Anh không hẳn biệt lập hoàn toàn với phần còn lại của châu Âu về kinh tế và thương mại, nhưng không còn được tận lợi nhiều như trước đấy từ thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan của EU. Nước Anh có nhu cầu cấp thiết tìm kiếm đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư mới trên thế giới để liên kết và hợp tác nhằm bù đắp lại những thua thiệt do không còn là thành viên của EU nữa và để chứng minh - hay tự an ủi - rằng quyết định ra khỏi EU là đúng đắn, cần thiết và thức thời đối với tương lai của nước Anh.Tham gia CPTPP được Chính phủ Anh dành cho ưu tiên chính sách hàng đầu bởi CPTPP là khu vực mậu dịch tự do kiểu mới, bao trùm thị trường và khu vực đầy tiềm năng tăng trưởng năng động, nếu như không muốn nói là năng động nhất trên thế giới hiện tại. CPTPP lại mới đi vào hoạt động và đều không có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất của thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Đàm phán để tham gia CPTPP vào thời điểm hiện tại vì thế dễ thành công đối với phía Anh hơn rất nhiều sau này.Chính phủ Anh thực thi một dạng chiến lược song hành để tìm liên kết kinh tế và thương mại mới ở vùng xa xôi, cụ thể là đồng thời nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại song phương và đàm phán tham gia CPTPP. Việc mở cửa cho nước Anh là tiền lệ với ý nghĩa chính trị đặc biệt và hiệu ứng thực tế to lớn đối với CPTPP. Càng có thêm nhiều đối tác mới như Anh tham gia CPTPP, Mỹ và Trung Quốc càng phải nghiêm túc xem xét việc tham gia CPTPP.