Nếu em trai tôi được hưởng khối tài sản đó, làm sao để bảo toàn được tài sản khi không may hai vợ chồng em ly dị?
Hoàng Thúy Quỳnh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trả lời:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 160 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của bố mẹ bạn thì bố mẹ bạn có quyền định đoạt tài sản, cụ thể là có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu… Bố mẹ bạn có thể chia cho 2 chị em bạn hoặc cho em trai bạn toàn bộ khối tài sản đó, tùy thuộc vào ý chí của bố mẹ bạn.
Theo đó, đối với tài sản phải đăng ký (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở) thì các bên phải lập Hợp đồng tặng cho công chứng tại Văn phòng Công chứng hoặc Phòng Công chứng nơi có đất, có nhà. Sau đó thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu sang người được tặng cho.
Đối với tài sản không phải đăng ký (tiền, vàng bạc...) cũng nên lập Hợp đồng tặng cho có công chứng để đảm bảo tính rõ ràng và có giá trị chứng cứ nếu xảy ra tranh chấp. Những tình tiết, sự kiện đã được công chứng trong hợp đồng thì không phải chứng minh trừ khi bị tuyên vô hiệu.
Đối với trường hợp em trai bạn đã kết hôn, tài sản có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng, trừ trường hợp là tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng (Điều 33, Điều 43 Luật Hôn nhân & Gia đình). Theo đó, tài sản của em trai bạn nếu được bố mẹ bạn tặng cho riêng (không cho con dâu) thì là tài sản riêng của em trai bạn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hơn nữa, nên để em dâu bạn lập văn bản cam kết tài sản riêng (đối với những tài sản riêng của em trai bạn).
Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Đoàn Luật sư Hà Nội