Không được nhập Mới đây, Tổng cục Hải quan đã nhận được báo cáo của Cục Hải quan TP Hải Phòng thông tin về vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu gồm đất sét, đất sét cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite… Đây là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08. Theo Tổng cục Hải quan, trong Luật Thương mại và Nghị định 187/2013-NĐ/CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài không quy định về quản lý nhập khẩu đối với đất. Trên cơ sở này, Tổng cục Hải quan đề nghị phía Bộ NN&PTNT tháo gỡ những vướng mắc cho DN nhập khẩu.
Trước thông tin này, phía Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay Bộ NN&PTNT chưa từng xử lý trường hợp nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sản xuất phân bón hữu cơ. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên vấn đề nhập khẩu đất được nói đến và chưa rõ mục đích nhập khẩu đất của các DN qua cảng Hải Phòng để làm gì. Liên quan tới vấn đề này, chiều 10/3, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) khẳng định, theo khoản 5, Điều 13 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (2013) đã quy định rõ việc đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam là hành vi bị cấm, trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. “Ngay cả nhập cây theo bầu đất cũng được phép” – bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết thêm. Lý giải thêm về những trường hợp “đặc biệt”, theo Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) có thể là đất hiến tặng hay phục vụ triển lãm được đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bằng văn bản, tuy nhiên những trường hợp này là hãn hữu. Tiềm ẩn nguy cơ dịch hại Trước thông tin về đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong nhập khẩu đất của các DN, dư luận tỏ ra khá lo lắng vì việc này có thể trở thành con đường lây lan mầm bệnh vào nước ta nếu không được kiểm soát chặt. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Lai – Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT), một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về lĩnh vực đất, phân bón và vi sinh vật cũng chia sẻ, đây là lần đầu tiên được nghe nói đến vấn đề nhập khẩu đất. “Theo tôi được biết thì trước đến nay chúng ta chưa nhập khẩu đất bao giờ, chỉ mang đi nước ngoài để phân tích và trong lĩnh vực nông nghiệp, nước ta cũng không cần thiết phải nhập khẩu đất” - TS Nguyễn Xuân Lai cho hay. Theo TS Nguyễn Xuân Lai, trong đất có các sinh vật có thể gây bệnh cho cây trồng, gây hại cho động vật và cả con người nên sẽ rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát nhập khẩu. Ông Lai cho biết thêm, quan trọng nhất là phải biết được mục đích của DN nhập khẩu đất để làm gì. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu cho phép nhập khẩu đất thì chỉ trong trường hợp nhập giá thể hoặc các nguyên liệu làm giá thể phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Việt Nam không sản xuất được thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, nếu có cho phép nhập khẩu, phải kiểm dịch chặt chẽ các mầm bệnh, nấm, vi khuẩn, vi sinh vật gây hại tồn tại trong đất, tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho hay, việc siết chặt nhập khẩu đất theo quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học trong nước. Bởi khi đưa đất từ nước khác vào Việt Nam có thể mang theo các sinh vật gây hại lạ vào mà chúng ta không kiểm soát hết được. Như vậy, với trường hợp các DN kiến nghị gỡ vướng về thủ tục nhập khẩu đất, rất cần sự thận trọng trong quyết định của cơ quan chức năng, tránh xảy ra tình huống phải khắc phục hậu quả khi sự đã rồi.
Ảnh minh họa. |