Theo Bộ NN&PTNT, nuôi ong mật là một trong những định hướng phát triển kinh tế tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Giai đoạn 2008 - 2018, số lượng tổ ong tăng từ 598.500 tổ ong lên 1.258.600 tổ; tăng trưởng đàn ong đạt bình quân 7,7%/năm.
Căn cứ theo dữ liệu sản xuất thực tế, mặc dù tổng đàn ong có biến động khá lớn nhưng tổng đàn ong tăng trưởng phù hợp với kế hoạch đặt ra. Thậm chí kể từ năm 2015, tổng đàn ong đã vượt so với mục tiêu của Chiến lược.
Mật ong là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng mật ong tăng từ 9.987 tấn lên đến 20.414,8 tấn, đạt tốc độ tăng trưởng 7,4%/năm. Mặc dù không đạt được so với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược, song Bộ NN&PTNT cho rằng: Mức tăng trưởng sản lượng thực tế là đáng ghi nhận đối với ngành nuôi ong.
Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, khai thác mật ong xuất khẩu đang được coi là thế mạnh của Việt Nam và cần được khuyến khích phát triển, trong đó thị trường chính của ngành hàng này là Hoa Kỳ và Châu Âu đang có nhu cầu rất lớn. Cùng với hệ sinh thái đa dạng, một số vùng của nước ta như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển đàn ong. Có thể nói, chăn nuôi ong vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, để thúc đẩy chăn nuôi ong phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, ngành chăn nuôi ong cần khắc phục một số tồn tại. Điển hình là: Số lượng mô hình VietGAP nuôi ong bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp; liên kết giữa các cơ sở nuôi ong và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vẫn còn chưa chặt chẽ; tỷ trọng sản phẩm mật ong được xây dựng thương hiệu hoặc có chỉ dẫn địa lý bảo đảm truy xuất nguồn gốc còn thấp...