Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ quy định thu khoản tự nguyện: Lo ngại “lách luật”

Trung Anh - Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 5/2, Hà Nội bỏ quy định thu khoản đóng góp tự nguyện trong trường học. Bên cạnh kỳ vọng sẽ hết cảnh lạm thu nơi trường lớp, lại có người cho rằng, nếu không còn khoản thu tự nguyện, các nhà trường sẽ tìm cách “lách luật” để thu.

 Giờ học của cô và cháu trường Mầm non Mai Dịch. Ảnh: Quỳnh Linh
Chưa vội mừng
Chị Nguyễn Minh Hiền có con học lớp 5, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) ủng hộ qui định này, nhưng băn khoăn thực hiện thế nào để giảm gánh nặng cho phụ huynh những khoản tự nguyện đầu năm. "Thực tế khi đi họp phụ huynh đầu năm học, tổng kết kỳ 1, chuẩn bị các khoản đóng góp cho học kỳ 2, nhà trường thông báo các khoản quỹ trường, quỹ lớp rất rõ. Nhưng đằng sau đó, phụ huynh vẫn phải đóng “tự nguyện” với số tiền gấp 2 - 3 lần so với quy định” – chị Hiền chia sẻ. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều phụ huynh khi phải đóng các khoản “tự nguyện” với tinh thần... không tự nguyện. “Riêng khoản thu lắp điều hòa, ít nhất 500.000 - 600.000 đồng/HS. Mỗi lớp 50, thậm chí 60 HS, số tiền khá lớn. Đến cuối học kỳ I, cuối năm học, đại diện Ban phụ huynh lớp mới ghi ra vô số khoản chi, trong đó có những khoản không thể gọi là hợp lý” – chị Nguyễn Thị Ngát - phụ huynh HS trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định bỏ khoản thu tự nguyện trong trường học, nhiều người không mặn mà với quy định này vì cho rằng nhà trường sẽ “lách luật” để thu. “Chúng tôi chưa thể vui mừng trước quy định này bởi từ trước tới nay, dù Bộ, Sở ban hành rất nhiều văn bản, quy định, nhưng các trường đều tìm ra cách để “lách”. Chúng tôi chỉ vui khi mọi khoản đóng góp được thực hiện đúng quy định, phục vụ các con” – chị Phạm Thu Hồng - phụ huynh HS trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) bày tỏ.

Liệu có khả thi?

Cũng có ý kiến e ngại các trường sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cấp, bảo trì cơ sở vật chất trường lớp hàng năm khi không còn khoản thu tự nguyện vì ngân sách có hạn. Anh Nguyễn Mạnh Thắng (quận Long Biên) - một người trong Ban đại diện cha mẹ HS lớp của con đặt câu hỏi: “Nếu không thu khoản tự nguyện, ban phụ huynh chúng tôi sẽ lấy tiền ở đâu để mua các thiết bị cần thiết mà nhà trường chưa có khả năng trang bị cho các con?”. Tuy nhiên về phía nhà trường, nhiều nơi khẳng định không dùng các khoản thu tự nguyện phục vụ việc nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Hiệu trưởng trường THCS Huy Văn (quận Đống Đa) Bùi Thị Hồng Thủy cho biết, từ nhiều năm nay, trường không thu các khoản tự nguyện. Toàn bộ các hoạt động tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kinh phí lấy từ ngân sách của quận và từ nguồn kinh phí thường xuyên của trường. "Bởi vậy, trước qui định mới của TP, chúng tôi không bị ảnh hưởng gì" – bà Thủy khẳng định.

Bày tỏ quan điểm của chuyên gia về quy định này, TS Vũ Thu Hương - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội khá đồng tình, nhưng cho rằng cần có sự quyết liệt hơn từ cơ quan quản lý mới thực sự hạn chế được tình trạng lạm thu tại các trường. "Thời gian qua, khi Sở GD&ĐT vào cuộc mạnh mẽ chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm, các trường “im ắng”, thậm chí, nhiều trường còn chủ động trả lại tiền thu sai cho phụ huynh. Tuy nhiên, sau đó, có không ít trường đã tìm cách “hợp thức hóa” trở lại các khoản thu này. Đơn cử như nhà trường sẽ nhờ “cánh tay nối dài” là Ban đại diện cha mẹ HS vận động, "ép" để phụ huynh đồng ý. Như vậy, những nỗ lực của cơ quan chức năng sẽ thành “công cốc”" - TS Hương phân tích. Vì thế, các cơ quan quản lý giáo dục cần nghiên cứu thêm về những cách “lách luật” và xử lý nghiêm hiệu trưởng, Ban đại diện cha mẹ HS có hành vi này.
Sau khi có quyết định của UBND TP, Sở sẽ có hướng dẫn chi tiết bằng văn bản tới từng trường. Và tới đây sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định này tại các cơ sở giáo dục, đơn vị nào thực hiện sai quy định, người đứng đầu cơ sở sẽ bị xử lý nghiêm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng