Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Quy tắc ứng xử: Nên thực hiện trên cả địa bàn Hà Nội

Nhóm PV KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm gắn bó với ngành văn hóa Thủ đô, TS Phan Đăng Long - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, TP cho ban hành Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVNC), người lao động (NLĐ) Thủ đô là hết sức hợp lý và nếu được nên triển khai thực hiện trên cả địa bàn Hà Nội.

Cần quy tắc ứng xử vì Hà Nội có đặc thù riêng
TP Hà Nội ban hành Bộ QTƯX của CBCCVC, NLĐ Thủ đô, theo tôi biết là nằm trong chương trình TP giao cho Sở VH&TT thực hiện từ nhiều năm trước. Đây là chủ trương được lãnh đạo TP đưa ra từ rất nhiều năm, nằm trong chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh – một chương trình trọng tâm của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của Bộ quy tắc này là xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả; định hướng các chuẩn mực ứng xử trong thực thi công vụ, giao tiếp với tổ chức và công dân tại công sở…

Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh quận Hai Bà Trưng.  Ảnh: Thanh Hải

Cũng có người đặt vấn đề Bộ quy tắc có cần thiết hay không, bởi bản thân mỗi người đều đã có sự điều chỉnh của luật pháp Nhà nước; đối với CBCC thì đã có Pháp lệnh CBCC. Tuy nhiên, pháp luật nhà Nước hay các pháp lệnh là để vận dụng chung cho toàn thể mọi người trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng mỗi địa phương lại có đặc thù riêng, đặc biệt với Hà Nội - không phải tự nhiên mà Quốc hội ban hành riêng Pháp lệnh Thủ đô. Thế nên, trên nền tảng cái chung là CBCCVC phải thực hiện theo Pháp lệnh, thì có những đặc điểm riêng mà chính quyền TP phải xem xét, ban hành bộ QTƯX cho CBCCVC Hà Nội. Bộ quy tắc sẽ làm cụ thể hơn Pháp lệnh Thủ đô, Pháp lệnh CBCC nói chung.
Cũng phải nói rằng, nhiều năm nay, Hà Nội triển khai sâu rộng chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Về cơ bản truyền thống của người Hà Nội vẫn được duy trì, nhưng rõ ràng trong thực tiễn vẫn có bức xúc về tình trạng xuống cấp đạo đức, nhức nhối về cách hành xử, ứng xử của một bộ phận người dân. Trước báo động về ứng xử đó càng thấy sự cần thiết của việc ban hành Bộ quy tắc này.

Thí điểm, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Việc ban hành bộ QTƯX cho CBCCVC, NLĐ Thủ đô rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi văn hóa ứng xử trong cộng đồng đang có dấu hiệu xuống cấp. Bộ quy tắc quy định rõ, ngoài những yêu cầu chung theo luật hiện hành, CBCC của Hà Nội cần có những yêu cầu thêm. Bộ QTƯX cũng giống như bất kỳ cái mới nào ra đời đều đối diện với những ý kiến trái chiều. Theo tôi, một vài điểm mà dư luận còn băn khoăn trong dự thảo chỉ là thứ yếu và không vì thế mà giảm đi ý nghĩa, giá trị của Bộ QTƯX. Ban soạn thảo chỉ cần điều chỉnh một số chỗ cho phù hợp hơn và sau khi ban hành có một thời gian thực hiện thí điểm để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

LS Hoàng Thị Khánh Linh - Đoàn Luật sư Hà Nội

Định hướng các chuẩn mực, hành vi

Tôi rất ủng hộ việc xây dựng và đưa ra bộ QTƯX để định hướng chuẩn mực tác phong lối sống cho CBCCVC, NLĐ Thủ đô. Cụ thể đối với chúng tôi làm việc trong môi trường sư phạm, thầy cô luôn tiếp xúc với học trò hàng ngày nên càng cần phải chuẩn mực, gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cũng như trang phục, tác phong sư phạm. CB, giáo viên trường tôi đã được tiếp cận với bộ QTƯX, tất cả đều đồng tình bởi đây cũng chỉ với mục đích định hướng các chuẩn mực, hành vi để mỗi khi CBCCVC đến cơ quan công sở cần phải quan tâm hơn đến bề ngoài, tránh gây phản cảm.

Bùi Thúy Ninh - Giáo viên trường Tiểu học Mễ Trì

Cần nhất vẫn là thái độ

Quả thật rất khó để có thể có một quy chuẩn khắt khe cho trang phục nữ, nếu không phải ngày mặc đồng phục. Vì vậy, dù có áp dụng bằng cách nào thì cần nhất vẫn là thái độ, sự tận tình trong việc tiếp xúc và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề của người dân, bởi lựa chọn cá nhân có ảnh hưởng đến văn hóa nơi làm việc. heo tôi, khi đưa vào thực hiện cũng cần có các chế tài và quy định cho từng phòng ban, cơ quan, đơn vị có tính chất công việc khác nhau để CBCC tự giác thực hiện.

Chị Trần Hồng Hạnh - Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm
Đừng khắt khe định lượng
Phải nói rằng TP đã hết sức thận trọng khi xây dựng các quy định trong quy tắc. Tôi biết Sở VH&TT còn phối hợp với Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội – nơi có những người có điều kiện nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn của Thủ đô và QTƯX của một số TP ở các nước khác để đưa ra ý kiến. Trong quá trình công tác trước đây, tôi cũng đã nhiều lần được tham gia góp ý. Cho đến bây giờ tiếp cận với Bộ quy tắc này, tôi thấy đã tiếp thu rất nhiều góp ý của chuyên gia, dư luận. Tất nhiên, trong quá trình triển khai sẽ còn tiếp tục chỉnh sửa những điều chưa phù hợp, song về cơ bản, những nội dung cần xác định cho CBCCVC, NLĐ Thủ đô đã được ghi nhận.
Cũng phải công nhận, đưa ra các quy định cụ thể trong quy tắc này rất khó vì hết sức trừu tượng, thường chỉ có định tính chứ không thể đi vào định lượng cụ thể. Thế nên một số phản ứng trong dư luận về xăm hình, sử dụng nước hoa, trang điểm…, thậm chí cho rằng như vậy là vi phạm nhân quyền, là không thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi thấy ý kiến đồng tình ủng hộ quy tắc này rất nhiều. Bởi dù cái nhìn của mọi người dành cho việc xăm hình hiện nay đã bớt ác cảm đi nhiều, nhưng những hình xăm phản cảm vẫn không thôi làm người xung quanh nhìn vào đặt dấu hỏi: Liệu có phải người đua đòi, ăn chơi… Thử hỏi CBCC lại có hình xăm phản cảm thì khi đối diện với đồng nghiệp, người dân, người ta sẽ cảm thấy ra sao? Hay chuyện trang phục, ngay cả những nước phát triển rất phóng khoáng trong sinh hoạt, thì quy định về trang phục CC cũng rất kín đáo. Cho nên người ta mới sinh ra quy định trang phục nào đi làm, trang phục nào đi dạ hội, đi biển…, mỗi bộ phù hợp với một loại hình sinh hoạt. Và tất nhiên, đến nơi làm việc thì phải nghiêm túc, kín đáo - điều này không phải bây giờ mới quy định. Hay là quy định trang điểm, dùng nước hoa phù hợp cũng là hợp lý. Quy tắc nói theo cách định hướng, đương nhiên tự mỗi cá nhân sẽ hiểu trang điểm, nước hoa thế nào là phù hợp. Ta không thể định lượng dùng nước hoa gì, trang điểm thế nào, nhưng ai cũng hiểu môi trường công sở khác hoàn toàn với sân khấu biểu diễn của giới văn nghệ sĩ. Trên thực tế, ngay cả người nghiên cứu sản xuất nước hoa cũng cho ra rất nhiều loại phù hợp với từng hình thức sinh hoạt (nơi công cộng, trong phòng khách, phòng ngủ, trên xe ô tô…). Thế nên, mạnh dạn đưa ra quy định như vậy là rất nên. Thực hiện chỉ có tốt chứ hoàn toàn không ảnh hưởng gì, vì hướng đến những điều tốt đẹp, chẳng có lý gì để phản đối.
Bức tranh văn hóa công sở đều màu
Triển khai thực hiện bộ QTƯX cũng có khó khăn vì Hà Nội là Thủ đô nên các cơ quan T.Ư, cơ quan đại diện của các tỉnh, thành, địa phương đóng trên địa bàn rất nhiều. Có một con số thống kê đưa ra 70% CBCC trên địa bàn thuộc các cơ quan T.Ư, chỉ có gần 30% là của Hà Nội. Bộ quy tắc này chỉ áp dụng cho CBCCVC, NLĐ Hà Nội, đương nhiên khi thực hiện sẽ có sự so sánh. Cũng như trước đây, Hà Nội đã từng ban hành quy ước cưới, tang văn minh, được triển khai thực hiện tương đối tốt, nhưng vẫn có sự so sánh cho rằng những quy định đó không đi vào cuộc sống vì chỉ nhìn ở phương diện CBCC ở Hà Nội, chứ không phân biệt cơ quan T.Ư hay Hà Nội.
Tôi cho rằng, khi ban hành Bộ QTƯX này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan T.Ư; CBCCVC, NLĐ của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn Hà Nội cũng nên hưởng ứng. Bởi dù làm việc ở các cơ quan T.Ư nhưng họ cũng là công dân Thủ đô. Hà Nội có thể đặt vấn đề với Ban Bí thư, với Chính phủ để áp dụng thực hiện quy tắc tại các cơ quan T.Ư trên địa bàn TP để các quy định đi sâu vào cuộc sống. Và Hà Nội nên chăng hãy tham khảo ý kiến của các cơ quan T.Ư, thấy hợp lý thì ban hành thực hiện trên địa bàn Hà Nội để tạo ra bức tranh văn hóa toàn diện. 
Hướng tới triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử
Chiều 29/12, Sở VH&TT Hà Nội tổng kết công tác văn hóa, thể thao năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã đến dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành văn hóa thể thao Hà Nội đạt được trong 2016; đặc biệt là việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm; khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…Về dự thảo các bộ quy tắc ứng xử, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định, nội dung các bộ quy tắc mang tính chất định hướng, hướng dẫn, chứ không phải là những quy định mang tính chất bắt buộc như các quy định của pháp luật, nên TP Hà Nội sẽ sớm ban hành và tổ chức thực hiện.
Năm 2016 được đánh giá là năm mang lại nhiều dấu ấn đối với ngành văn hóa thể thao Thủ đô. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý di sản, quản lý văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao… Các chỉ tiêu về văn hóa, thể thao năm 2016 hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra như 86% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 55,2% làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa, số người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 34%, số gia đình thể thao đạt 26%. Bên cạnh công tác văn hóa, các hoạt đông thể thao cũng mang lại nhiều thành tích đáng kể. Tiếp tục giữ vững vị trí đẫn đầu trong nền thể thao nước nhà. Các giải thi đấu thể thao quần chúng từ TP đến quận, huyện, thị xã được chuẩn bị chu đáo… Đặc biệt, đến thời điểm này, 93,6% bảng quảng cáo một cột trụ đứng độc lập, 100% bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách vi phạm các quy định về hoạt động quảng cáo đã được tháo dỡ. 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng các tuyến đường, phố điểm về quảng cáo và văn minh đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, không gian đô thị.
Năm 2017, ngành văn hóa thể thao Hà Nội sẽ triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng và trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội; triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời; đề xuất mô hình hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao…nhằm đưa các phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.