Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Thận trọng khi quy định chính sách
Đa số thành viên UBTVQH đều cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có bước tiến bộ, nhiều vấn đề ĐBQH trước đây còn băn khoăn, Ban soạn thảo đã không né tránh, xem xét và bổ sung, chỉnh lý. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, cơ quan tiến hành thẩm tra dự thảo Luật, ý kiến chung của Ủy ban là tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô và việc lựa chọn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước mà chưa được quy định trong các luật hiện hành hoặc tuy đã được quy định nhưng chưa phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Trong dự thảo Luật mới, Hà Nội đã đề xuất thêm điều kiện chặt hơn đối với công dân muốn nhập cư vào thành phố như phải có từ 3 năm tạm trú liên tục tại chỗ ở nhất định trở lên, thay vì 1 năm như quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến nêu rõ đây chỉ là một giải pháp trong tình hình hiện nay và nó phải được thực hiện đi cùng với các giải pháp khác mới có hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành, nhưng cần phải áp dụng một số biện pháp hành chính chặt chẽ hơn, dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Về áp dụng cơ chế xử phạt hành chính gấp 2 lần quy định chung trong nội thành cũng còn gây tranh cãi. Ngoài những lĩnh vực như giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật Thủ đô đề xuất thêm 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Đề xuất này được các thành viên UBTVQH tán thành, nhưng đề nghị cần thận trọng cân nhắc thêm.
Riêng với vấn đề phí và lệ phí, nhiều đại biểu cho rằng, việc giới hạn trong 2 lĩnh vực giao thông và môi trường là hợp lý vì đây là những lĩnh vực thực sự bức xúc, không nên mở rộng ra nữa.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, giải pháp hạn chế nhập cư nội thành và tăng mức phạt đã được cân nhắc, thảo luận rất nhiều trước khi trình UBTVQH.
Thể hiện rõ hơn nét đặc thù của Thủ đô
Điều khiến các thành viên UBTVQH băn khoăn với Dự thảo Luật Thủ đô được đưa ra lần này vẫn là sự thiếu thuyết phục trong việc thuyết minh nêu bật những nét đặc thù của Thủ đô. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thuyết trình dự thảo Luật cần khẳng định Hà Nội là trung tâm kinh tế - động lực phát triển của cả nước; có chỉ số sáng tạo, đổi mới cao hơn cả nước, để khẳng định vai trò đầu tàu.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình dự án làm rõ một số vấn đề khác, như quy định về "Vùng Thủ đô", quy định "bảo vệ Thủ đô", quan hệ giữa Thủ đô và các nước, phạm vi ảnh hưởng của Luật và thể hiện rõ ràng trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp, chuẩn bị dự thảo Luật chất lượng hơn để tại Kỳ họp thứ 4 có thể thông qua được.
Đa số thành viên UBTVQH tán thành và lựa chọn biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các, hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam nên việc quy định trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần phải thể hiện có tính thuyết phục hơn về những lý do lựa chọn hình ảnh này. |