Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung người hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng BHXH

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (16/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận tại hội trường về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH. Mục tiêu tiêu của dự Luật sửa đổi là mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH. Điều chỉnh theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH...

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng góp ý vào các nội dung như: Việc mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc; mô hình tổ chức BHXH; Hội đồng quản lý BHXH và chi phí quản lý BHXH; chính sách bảo hiểm hưu trí...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Góp ý về việc mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc, đa số các ĐB tán thành việc bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc, có lộ trình thực hiện với đối tượng này. Đồng thời, có giải pháp mạnh hơn để hoàn thiện, tăng số lượng, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc cho các đối tượng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự Luật cần bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) cho biết, cử tri Hà Nội nhiều lần kiến nghị quan tâm đối tượng không chuyên trách ở cấp xã. “Theo Nghị định 82 số người hoạt động không chuyên trách cấp xã có khoảng 230.000 người, với mức phụ cấp do ngân sách hỗ trợ bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu cho mỗi người. Nếu ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung quy định 14% thì ngân sách nhà nước chi khoảng 450 tỷ đồng mỗi năm” - ĐB Hà cho biết.

Cung theo ĐB Hà, công dân được đảm bảo an sinh xã hội đã được hiến định tại điều 34 của Hiến pháp, vì vậy các chính sách BHXH không chỉ hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng mà còn phải nâng mức lương hưu và đảm bảo khả năng an toàn, cân đối quỹ BHXH.

Cũng đồng tình với việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ĐB Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bổ sung, nhóm đối tượng này cần gắn với chức danh cụ thể, cơ chế trách nhiệm của chính quyền, tổ chức đoàn thể và của cá nhân để nhóm đối tượng này được tham gia.

Về tuổi nghỉ hưu quy định trong dự Luật, các đại biểu cho rằng cần bàn kỹ và lý giải sâu để tạo sự đồng thuận cao trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Có sự thống nhất với quy định trong Bộ luật lao động, có lộ trình để việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đảm bảo phù hợp với các luật liên quan. “Có những nhóm đối tượng cần để nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành. Nhưng có những nhóm cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tăng hay giảm phụ thuộc do điều kiện sức khỏe, lao động nặng nhọc hay nhẹ nhàng… Đồng thời, đảm bảo nguồn lực cho quỹ BHXH, phù hợp với việc tăng tuổi thọ bình quân hiện nay” - ĐB Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH cũng đề nghị cần làm rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHXH, như vậy mới có cơ sở quyết định giao hay không giao thẩm quyền thanh tra. Bổ sung 1 khoản về thanh tra BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi được thanh tra lao động - thương binh - xã hội ủy quyền. Đồng thời, thanh tra BHXH có quyền xử phạt nếu phát hiện sai phạm, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng như hiện nay.

Ngoài ra, các ĐB cũng đề nghị cần tách BHXH của công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang ra khỏi khu vực sản xuất kinh doanh; việc sử dụng quỹ BHXH; có quy định về số năm đóng bảo hiểm, để người tham gia đóng đủ có thể nghỉ hưu;...

Trước đó, đầu giờ chiều các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, với đa số ĐBQH tán thành (86,35% ĐB tán thành). Theo đó, Luật được thông qua gồm có 9 Chương, 55 điều. Trước khi thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ĐBQH đã thông qua Điều 4 của dự thảo Luật, với 87,15% ĐB tán thành và Điều 44 của dự thảo Luật, với 86,35% ĐB tán thành.

Cũng trong sáng nay, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Các ĐB đánh giá cao nhiều nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội, đã phát triển một bước các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức QH, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một số quy định trong Dự thảo còn chung chung. Các nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là quy định số lượng ĐBQH chuyên trách, vai trò của Đoàn ĐBQH,…