Nhiều thắc mắc được giải đáp
Đây cũng là năm thứ 17, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế, hải quan, phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của DN.
Hội nghị cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cho đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính đã triển khai là 813. Trong đó, DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ).
Nói về quá trình cải cách, đồng hành cùng DN của cơ quan Thuế, Hải quan nói riêng và của Bộ Tài chính nói chung, Giám đốc Công ty CP XNK máy Việt Nam Nguyễn Vũ Trụ đánh giá: Thời gian qua, ngành tài chính đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và số hóa phục vụ DN đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, ngành thuế và Hải quan đã có nhiều cải cách trong hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt là áp dụng CNTT và số hóa vào việc quản lý và phục vụ DN, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Tại buổi đối thoại, DN đã giãi bày nhiều vướng mắc trong thực tiễn hoạt động như: DN thành lập quỹ để đầu tư hoạt động khoa học công nghệ, sau 5 năm chưa sử dụng hết 70% số quỹ, phần còn lại có phải thực hiện nộp thuế thu nhập DN không? Quy trình xin miễn giảm thuế với DN bị hỏa hoạn; thuế đất phi nông nghiệp do người cho thuê nộp hay người thuê nộp; biện pháp hậu kiểm với DN nhập khẩu hàng miễn thuế nhưng sử dụng không đúng mục đích... Trong đó, những vấn đề liên quan đến hóa đơn, hóa đơn điện tử, cách tính thuế thu nhập DN, được DN, tổ chức quan tâm nhiều nhất.
Vướng mắc trong việc phát hành hóa đơn, đại diện Đài truyền hình Việt Nam cho biết, cơ quan này có 21 đơn vị trực thuộc tại Hà Nội, có mã số thuế đơn vị trực thuộc. Hiện tại, 13 đơn vị của của Đài không đăng ký phát hành hóa đơn mà sử dụng hóa đơn mã số thuế của Đài để cấp cho khách hàng, như vậy có được không? Giải đáp vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, việc làm trên là hoàn toàn hợp lệ.
Cũng liên quan đến vấn đề hóa đơn, đại diện Công ty Honda Việt Nam chia sẻ, mỗi tháng DN có khoảng 150.000 hóa đơn, liên quan đến cả hệ thống như quản trị sản xuất, bán hàng với các đại lý. Vì vậy, sau khi thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8%, DN chưa thể điều chỉnh ngay. Hiện có khoảng 260.000 hóa đơn chưa điều chỉnh theo mức thuế mới. Vì vậy, DN mong muốn Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nghiên cứu hỗ trợ DN nhằm tránh lãng phí thời gian.
Trả lời vấn đề này, Phó Tổng Cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, Honda Việt Nam đưa ra 2 phương án, căn cứ theo quy định về xử lý hóa đơn sai sót, DN tự điều chỉnh, kê khai. Ở đây, Honda Việt Nam có nhiều hóa đơn phát sinh, với số lượng 260.000 hóa đơn cần sửa đổi. Ông Vũ Chí Hùng đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Tổng Cục Thuế) phối hợp với Cục thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh có phương án xử lý dứt điểm.
Liên quan tới việc sử dụng hóa đơn có bảng kê, Kế toán trưởng Công ty CP nước sạch Hà Nội Đỗ Phương Nam thắc mắc. Theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hóa đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hóa đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không? DN mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra.
Trong khi đó, Kế toán trưởng Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Protech Vina (Bắc Ninh) lại gặp khó trong việc tính thuế thu nhập DN. Cụ thể, Công ty Protech được miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% trong 9 năm. Nay công ty mua thêm nhà đất, liệu khoản phát sinh có được áp dụng chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế hay không?
Hàng chục thắc mắc của DN đã được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp trực tiếp tại buổi đối thoại. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022 là đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động lớn đến môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất của cộng đồng DN.
Bám sát thực tiễn, cải cách trên mọi mặt công tác
Chia sẻ về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Về phía, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính.
Đặc biệt là cải cách trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan, Bộ Tài chính mong nhận được các phản hồi tích cực từ phía cộng đồng DN.
Những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại những kết quả quan trọng và cải thiện môi trường hoạt động của cộng đồng DN. Những cải tiến tích cực cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục… Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.