Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

Thiện An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán thiếu nước ở miền Trung và Tây Nguyên, Bộ TN-MT vừa có báo cáo khẩn Thủ tướng Chính phủ đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để kịp thời ứng phó.

Cụ thể, ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) Trần Hồng Hà có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành thực hiện việc tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ lợi... để chủ động ứng phó với tính hình hạn hán, thiếu nước ở miền Trung, Tây nguyên và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Nguời dân ĐBSCL vất vả với tình trạng xâm nhập mặn kéo dài. Ảnh (Thanh Niên).
Theo Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TN-MT), tại miền Trung và Tây nguyên, tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên phạm vi rộng, hầu hết các lưu vực sông bị thiếu nước nghiêm trọng. Dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 40 - 60%, thậm chí 70% lượng nước.
Các hồ chứa lớn có lượng nước tích được ở đầu mùa cạn không nhiều, chỉ khoảng 40 - 70% tùy từng hồ, thậm chí có hồ chỉ đạt khoảng 15 - 25%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70 - 80%, nhiều hồ chỉ đạt 40 - 50%. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể rất nghiêm trọng đối với khu vực này.
Còn tại ĐBSCL, từ đầu mùa khô đến nay đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Chiều sâu xâm nhập mặn sâu nhất tính đến ngày 30/3 ở các cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3 - 7km; các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 4 - 15km.
Theo dự báo của Bộ TN-MT, trong những tháng còn lại đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8/2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15 - 70% so với trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019.
Đối với ĐBSCL, do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL không được cải thiện nên độ mặn vẫn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra. Trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần.
Để ứng phó kịp thời với tình hình trên, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn từ tháng 7 và tháng 8/2019 để các bộ, ngành chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn UBND các tỉnh, TP thực hiện về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Vì vậy đã giảm thiệt hại đáng kể do hạn hán, xâm nhập mặn. 
Ngoài ra, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp sản xuất điện và đảm bảo cấp nước sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Giao Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, nhất là những hồ chứa thủy lợi nhỏ, để bảo đảm phù hợp với hiện trạng nguồn nước, khai thác, sử dụng ở hạ lưu...
Giao Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL nhằm tăng cường chủ động trong điều tiết nguồn nước. Thúc đẩy đàm phán, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.