Cha “dở hơi”, mẹ đã mất, những tưởng cuộc đời cậu bé Trần Đình Thế (8 tuổi) ở thôn Cao Mật Thượng (xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội) vĩnh viễn khép lại ở đói nghèo, mù chữ. Thế nhưng, kỳ lạ thay, nhờ tình yêu bản năng của người bố tâm thần, Thế được đi học, và em học rất giỏi. Trần Đình Thùy kết hôn với một phụ nữ vừa câm vừa điếc. Kết quả cuộc hôn nhân ấy đã sinh ra cậu bé Đình Thế lém lỉnh và thông minh. Nhưng sinh Thế được 5 tháng thì mẹ ra đi, để lại em với người bố Thùy ngơ ngẩn và bà nội già yếu.
Nghèo đói, thiếu ăn nên Thế bị suy dinh dưỡng nặng. 6 tuổi, Thế mới nặng 14kg và yếu nên không thể đi bộ 3-4km từ nhà tới trường. Không thể nhìn con thất học, anh Thuỳ nhận trọng trách cõng con đi học. Người làng Cao Mật ngỡ ngàng nhận ra một “thằng Thùy” với tâm tính khác. Ngày nắng cũng như ngày mưa, trên lối nhỏ men ruộng lúa, người ta luôn thấy thấp thoáng bóng Thùy cặm cụi cõng con đến trường. Nhờ những bước chân trần đưa con đi học, Thùy đã dần lấy lại được những khoảnh khắc tỉnh táo hơn để làm tròn vai trò người cha. Anh nói với chúng tôi, dù phải cõng con 10 năm, 20 năm nữa, anh vẫn cõng, vì anh muốn con được đến trường, phải biết nhiều hơn bố. Ước mơ học chữ của người bố nghèo, ngơ ngẩn gửi gắm qua từng bước chân đưa con đến trường. Người phụ nữ duy nhất nhóm lửa sưởi ấm ngôi nhà là bà Kếu, bà nội Thế ngót nghét 75 tuổi, bà vẫn mò mẫm trồng rau trong vườn, trồng 5 sào lúa để không phải đong gạo. Thu nhập của cả nhà trông vào mấy sào lúa do một tay bà Kếu chăm sóc. Bà Kếu cởi lòng: “Tôi không sợ khổ, chỉ sợ cháu thiếu con chữ. Thằng Thế biết chữ rồi, học giỏi nữa. Năm vừa rồi còn được tặng 4 cái giấy khen, nào là của tỉnh, của huyện, của trường… Tôi còn sống ngày nào thì ngày đó thằng Thế còn được đi học”. Cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm của Thế xúc động: “Em Thế rất thông minh, nhiều kỳ em tỏ ra vượt trội hơn các bạn”.