KTĐT - "Phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác điều tra, từ thu thập chứng cứ tới các việc khác đều phải cố gắng làm quyết liệt để vụ này nhanh hơn, rút kinh nghiệm từ các vụ án trước", Đại tướng Lê Hồng Anh trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề được ĐBQH quan tâm là vụ “con tàu” Vinashin.
Ngày 5/11, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của các ngành: TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an về công tác nội chính năm 2010. Bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Lê Hồng Anh trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề được ĐBQH quan tâm là vụ “con tàu” Vinashin.
Đại tướng Lê Hồng Anh nói: Quốc hội đã nói rồi. Kết luận của Bộ Chính trị cũng đã nêu: Vinashin kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực dẫn tới không hiệu quả, không phát huy được vốn đầu tư. Quản lý có lỏng lẻo, không chặt chẽ, để xảy tình trạng như hiện nay rất đáng tiếc.
Do đó, cần phải được kiểm điểm, xử lý. Nhưng ngành công nghiệp đóng tàu của mình vẫn cần phải có những tập đoàn như thế. Chỉ đạo của Bộ Chính trị là cần cơ cấu lại Vinashin, với nhiệm vụ chủ yếu là đóng tàu, không làm lĩnh vực khác. Tái cơ cấu phải đảm bảo Tập đoàn sống được, tiếp tục phát triển được công nghiệp đóng tàu của Việt Nam.
Theo hướng chỉ đạo đó, các cơ quan chức năng vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, vừa làm rõ trách nhiệm, khuyết điểm, tiêu cực vừa phải đảm bảo cơ cấu lại Vinashin. Bước đi của điều tra hay thanh tra cũng phải đi theo hướng đó.
- Bộ trưởng có đề cập những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra Vinashin?
- Người nào có vi phạm thì phải khởi tố, truy tố. Nhưng gắn với việc đó là phải tái cơ cấu, giữ ngành đóng tàu. Nên trước khi khởi tố phải làm các việc cần thiết như đề nghị Chính phủ. Còn nếu mình cứ khởi tố mà có chưa bàn giao gì thì lại không phục vụ được tái cơ cấu Vinashin.
- Có ý kiến ĐBQH nhận xét, sai phạm tại Vinashin chậm phát hiện, thưa Bộ trưởng?
- Bộ Công an có những cơ quan chuyên ngành theo dõi mảng kinh tế. Phát hiện thì nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng một vài vụ cụ thể. Kể cả như khủng hoảng ngân hàng, tài chính, có những cái liên quan tác động tới nước ta, Bộ đều có báo cáo, đề xuất.
Đi vào những việc cụ thể, ngành Công an có chức năng theo dõi nhưng theo quy định, không thể tự nhiên đi vào doanh nghiệp hỏi cái này cái khác. Như thế, không khéo họ có thể đặt vấn đề công an hình sự hóa các lĩnh vực kinh tế hoặc có khi doanh nghiệp kêu “cứ đến thế thì tôi làm ăn gì”. Bởi cứ nghe nói công an tới rồi thì đối tác làm ăn, cán bộ trong công ty có khi lo lắng, không hiểu có chuyện gì không.
Quy định của mình là phát hiện vấn đề gì phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Ở tỉnh thì báo cáo UBND tỉnh, ở Trung ương thì báo cáo Chính phủ rồi Thanh tra vào cuộc. Thanh tra làm rõ vi phạm rồi, có dấu hiệu hình sự rồi mới đề nghị cơ quan điều tra vào làm việc. Quy trình là như thế. Thế nên nói chậm thì có chậm nhưng là do vướng cái này cái khác như tôi đã nói.
- Thưa, có ý kiến ĐBQH đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Vinashin?
- Tất nhiên phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác điều tra, từ thu thập chứng cứ tới các việc khác đều phải cố gắng làm quyết liệt để vụ này nhanh hơn, rút kinh nghiệm từ các vụ án trước.
- Vậy phạm vi điều tra có mở rộng tới làm rõ hành vi “thiếu trách nhiệm”, thưa Bộ trưởng?
- Có chứ. Từ các vấn đề tiêu cực tới vấn đề thiếu trách nhiệm đều phải làm rõ. Kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành có liên quan tới quản lý các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước (trong đó có Vinashin) phải được xem xét trách nhiệm như thế nào. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm việc này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng tiến hành việc này.
Theo đó, đã gần như hoàn thành văn bản báo cáo về vấn đề này, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm. Trong công tác điều tra cũng làm rõ trách nhiệm tương tự.
- Cơ quan điều tra đánh giá mức độ sai phạm trong vụ Vinashin như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Để xảy ra như thế là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Tôi đồng tình với đánh giá, kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW.
- Cảm ơn Bộ trưởng!