Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của dạy và học thêm

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng nhằm hạn chế việc dạy thêm.

Sáng 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: Media Quốc hội
Đổi mới giảng dạy theo tinh thần tự học, sáng tạo
Tiếp tục tranh luận về chủ đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, "nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi".
Theo đại biểu Thành, có bốn vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm.
Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. "Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lương chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết" – đại biểu nói.
Thứ hai, đề xuất thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.
Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thì "cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu".
Thứ tư, theo đại biểu, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm.  Đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng đại biểu Thành cho rằng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần thái độ, dư luận xã hội. "Những ý đại biểu nêu là giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang triển khai. Đổi mới giảng dạy một số môn đang theo tinh thần tự học, sáng tạo. Việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm" – Bộ trưởng Sơn nói. 
Thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng nhằm hạn chế việc dạy thêm. "Thực tế phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học ứng thí hơn là chú ý đến việc cho em mình học cái để phát triển bản thân của các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần điều chỉnh" - Bộ trưởng Sơn nêu.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Media Quốc hội. 
Hình thành nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia 
Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) về kế hoạch dạy và học trong điều kiện Covid-19 có thể còn kéo dài, Bộ trưởng Sơn cho rằng cần đầu tư để hình thành nền tảng đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.
Vừa qua, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông giải quyết được một số việc cụ thể. Trong hơn 1.900 điểm lõm sóng, trong vòng 2 tháng Bộ Thông tin đã giải quyết được gần 290 điểm.
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục, cần xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia. Để làm được việc này, các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông cần tham gia để chuyển đổi số toàn quốc, chứ không để mỗi nơi một nền tảng khác nhau, thiếu tính bền vững.
Hiện nay, các quy định, hướng dẫn tương đối đầy đủ, nhưng đang thiên về ứng phó tạm thời. Do đó, Bộ trưởng cho biết, sau đợt này sẽ có đánh giá sâu hơn, pháp chế hóa cho một số văn bản hướng dẫn tạm thời về dạy học online.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cần xây dựng kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn, vì khi có nền tảng thì việc học trực tuyến sẽ đảm bảo. Các giải pháp phải đồng bộ từ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý, tập chuấn con người.
Trong chiến lược của Bộ Giáo dục thì chuyển đổi số là một trong những đột phá của ngành thời gian tới. "Chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược" – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.