Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Nâng giá trị cho xuất khẩu nông sản

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA).

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây được xem là những hiệp định có độ cam kết toàn diện và đẳng cấp cao hơn so với 12 hiệp định mà Việt Nam từng ký kết. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ về tác động của hai FTA thế hệ mới này đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Cần sự vào cuộc của 3 thành phần
Thưa Bộ trưởng, CPTPP và EVFTA sẽ đặt ra những thách thức nào cho ngành nông nghiệp Việt Nam?
- Khi tham gia 2 FTA thế hệ mới trên, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội, và cả những thách thức. Tuy nhiên, tôi đặt những thách thức lên hàng đầu, trên cả cơ hội. CPTPP có 11 quốc gia, trong khi EVFTA có 28 quốc gia tham gia, chiếm khoảng 35% GDP thương mại toàn cầu. Đây là những quốc gia có trình độ quản lý rất cao.
Bên cạnh đó, các nước đều có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt, điển hình là: Canada, Australia, New Zealand… Họ có thế mạnh về tài nguyên, quản trị khoa học công nghệ. Do đó, chúng ta sẽ bị cạnh tranh về chất lượng và thị trường nông sản.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những cơ hội, đó là khả năng thích ứng của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018 đã đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó chứng tỏ Việt Nam cũng có những ngành hàng có thể chiến thắng được. Do đó, không có lý do gì mà chúng ta không thể làm được. Quan trọng là cần có niềm tin.
 Chế biến dứa tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh:  Trần Việt
Ngoài niềm tin, chúng ta còn điều gì để kỳ vọng vào sự hội nhập thành công của nền nông nghiệp nước nhà?
- Hiện nay, những điều kiện kinh tế bổ trợ của các khu vực khác cho nông nghiệp đang ngày một hoàn thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều DN trong nước đã trưởng thành, có khát vọng vươn lên, đã và đang liên kết chặt chẽ, hiệu quả với nông dân, hợp tác xã để sản xuất, đưa hàng nông sản Việt Nam hội nhập.
Để hội nhập thành công tất nhiên không chỉ cần có niềm tin, mà cả 3 khu vực: Chính phủ, tư nhân và người dân đều phải cố gắng cao nhất. Có như vậy mới tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay hệ liên kết từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, đến thương mại, cùng tạo chuỗi khép kín, chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành hàng khu vực để có thể chủ động chiến thắng.
Không có ngành hàng lợi thế tuyệt đối
Cùng với nhiều lợi thế, ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập sâu rộng, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cũng bộc lộ những điểm yếu. Theo Bộ trưởng, điểm yếu đó là gì?
- Thứ nhất là sản xuất manh mún, với 8,6 triệu hộ nông dân và 10 triệu hécta đất canh tác. Đây là yếu tố chúng ta sẽ gặp khó khi đi cạnh tranh với các đất nước có tài nguyên lớn. Thứ hai là biến đổi khí hậu tác động ngày càng khắc nghiệt. Và thứ 3 là thời gian hội nhập, đổi mới còn ngắn mà phải cạnh tranh với các nước có bề dày kinh tế, đã hoàn thiện thể chế, cũng như có tiềm lực khoa học công nghệ rất mạnh. Nhưng từ những thách thức đó, chúng ta cần xác định là cần phải có niềm tin. Cả 3 khu vực: Chính phủ, tư nhân và người dân đều phải đồng hành, phải đổ mồ hôi nhiều hơn mới có thể thành công.
Vậy, khi hội nhập, ngành hàng nào của Việt Nam được dự báo là sẽ có lợi thế nhất?
- Phải xác định khi hội nhập kinh tế toàn cầu thì mặt hàng nào cũng có lợi thế và mặt hàng nào cũng không có lợi thế. Đừng nghĩ lâm sản thời gian qua xuất khẩu tốt là có lợi thế lớn. Có tiền đề mà không quản lý tốt, không xây dựng được chuỗi giá trị, không trồng rừng có chứng chỉ thì không thể gọi là có lợi thế? Cái gì chú ý làm tốt thì đều có lợi thế. Nếu có lợi thế mà chủ quan lơ là, không làm đến nơi đến chốn thì không sớm thì muộn, sẽ mất.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay khi Việt Nam tiếp cận sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do?
- Chúng ta nên nhìn vào hướng phát triển bền vững là chính, bởi xuất khẩu đạt cao hay thấp còn phụ thuộc vào giá cả thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam không thi xuất khẩu nông sản với thế giới. Cái chúng ta cần hướng tới là làm sao quy mô nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển về mặt giá trị. Việt Nam sẽ kiên quyết không đi theo số lượng, mà hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm thu nhập người nông dân cao nhất.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!