Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ nội vụ: Nhà nước nên cầm đèn, chứ đừng để Nhà nước cầm búa

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nâng ngạch, thăng hạng viên chức còn rườm rà, nhiêu khê, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các văn bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo..

Sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đưa ví dụ "nếu ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc ba, thì không phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa. Nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi sẽ không cần nữa”. Tương ứng, với tuyển sinh đại học và nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ thì không cần phải học thêm những chứng chỉ này nữa.
Để thực hiện quy định này, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị định đã giao cho cán bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Theo đó, những vị trí không cần phải có trình độ cao thì không quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm.
Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra ngoại ngữ, tin học mà không cần yêu cầu cung cấp chứng chỉ.
Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo để ban hành Thông tư sửa đổi về của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, trong đó cũng không quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng.
Riêng về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, “chúng ta phải 7 văn bằng, chứng chỉ, tập trung chủ yếu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là ba tiêu chuẩn cơ bản khi đề bạt, bổ nhiệm, còn những văn bằng khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo”.
Về thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng cho biết, trong hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, với tổ chức sắp xếp cơ quan Trung ương đã giảm được 12 tổ chức, song cấp cục tăng lên 7 tổ chức, cấp tổng cục giảm 4 tổ chức. Riêng Bộ Công an giảm 6 tổng cục nhưng thành lập 2 tổng cục mới là Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục phòng, chống thiên tai. Ở địa phương, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, giảm được 5 đơn vị và tổ chức hành chính giảm được 12 đơn vị. Ở cấp phòng, giảm được 973 tổ chức và cấp chi cục thuế giảm 120 đơn vị. Ở cấp huyện, giảm được 294 tổ chức hành chính cấp huyện. Như vậy, “trong 2 năm thực hiện tinh giản biên chế khá đạt”.
“Đến giờ này, chỉ tiêu thực hiện sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2021, chúng ta chắc chắn bảo đảm hoàn thành được tinh giản biên chế công chức từ cấp huyện trở lên là 10,01%. Về giảm biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chắc chắn chúng ta đã giảm được 11,98%”, Bộ trưởng cho biết. Cũng theo Bộ trưởng, “chúng ta đã giao ngân sách sẽ cấp trên chỉ tiêu biên chế của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”.
Để thực hiện việc này, trong thời gian qua chúng ta thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Qua tổng kết, Chính phủ đề nghị giữ nguyên Văn phòng UBND và sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã có quy định về nội dung này. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết hướng dẫn về việc thành lập tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Chính phủ đã ban hành Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Thực hiện Kết luận số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và cơ quan chuyên môn của Nhà nước, trong báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị và Chính phủ cũng có báo cáo sơ kết vấn đề này.
Tại Kết luận số 74-KL/TW, Bộ Chính trị đánh giá cao việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW trong hai năm vừa qua, và đã kết luận chỉ đạo không mở rộng mô hình tổ chức mới, không kiêm nhiệm chức danh và tiến hành sơ kết, tổng kết việc thí điểm của từng mô hình, đánh giá một cách toàn diện, hiệu quả của việc thí điểm; đề xuất về lộ trình và cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong từng ngành và lĩnh vực để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân “việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tập trung làm từ năm 2021 trở đi, vì Chính phủ đã hoàn thiện các nghị quyết. Tuy nhiên, việc sắp xếp không làm theo kiểu cơ học mà phải phân định việc sắp xếp đó để có hiệu lực, hiệu quả, và bảo đảm sự phục vụ thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp."
Theo đó, việc sắp xếp sẽ không nhập cơ học, nhất là trong tổ chức thực hiện các nghị định của Chính phủ đã ban hành về bộ máy của các cơ quan Trung ương, của địa phương. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thể hiện rõ quan điểm này. Ngày 20.9.2020, Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn hướng dẫn về việc thực hiện các nội dung Kết luận 74-KL/TW của Bộ Chính trị. “Trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, chúng ta không nhập, không làm thí điểm nữa, tổ chức phải đạt được mục đích sắp xếp gọn nhẹ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả”, Bộ trưởng nêu rõ.
Nhà nước chỉ làm những việc tầm vĩ mô
Tranh luận về vấn đề tinh giản biên chế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) nêu vấn đề: “Bộ trưởng nói là cơ quan Bộ Nội vụ cần làm gương trong việc tinh giảm biên chế và dự định cắt giảm 21% số viên chức. Theo tôi biết, đây chủ yếu là cắt giảm cơ học bằng cách giảm kế hoạch viên chức biên chế hàng năm. Điều này trái với tiêu chí của Đảng và Nhà nước trong việc giảm viên chức kém và tăng cường cán bộ viên chức giỏi. “Xin hỏi bao nhiêu cán bộ viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm qua được loại ra khỏi đội ngũ”, ông Nguyễn Lân Hiếu chất vấn.
"Bộ trưởng vừa nói nhiều đến việc sắp xếp, sáp nhập các tổ chức của các bộ, ngành khác rất tốt. Theo Bộ trưởng, hiện nay có thể sáp nhập Bộ Nội vụ với cơ quan khác nào không như Văn phòng Chính phủ hay Thanh tra Chính phủ?” - Ông Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.
Về thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương, hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang rà soát lại theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, tiến hành sắp xếp lại những dịch vụ công và chia làm 4 loại.
Cụ thể, gồm: dịch vụ công phục vụ cho việc lãnh đạo lý nhà nước mà hưởng 100% từ ngân sách nhà nước; dịch vụ công hưởng một phần ngân sách nhà nước, tức là tự chủ một phần; loại thứ ba là chi thường xuyên hoặc chi đầu tư chủ động; loại thứ tư là đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp hoạt động.
Như vậy, đối với những dịch vụ công Nhà nước không cần phải nắm giữ, nằm trong 4 loại trên thì chúng ta phải có lộ trình, cái nào giữ lại 100% Nhà nước, cái nào phải thực hiện tự chủ và cái nào phải tiến hành xã hội hóa. Hai lĩnh vực y tế và giáo dục có nhiều dịch vụ công, với số viên chức làm việc đông nhất.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: “Chúng ta nói xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục không có nghĩa là tư nhân hóa mà mở rộng và phát triển thêm các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Tức là, không có tư nhân hóa những dịch vụ Nhà nước đã có”.
Bên cạnh đó, cũng tiến hành xã hội hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trung tâm kiểm định xe cơ giới, hoặc dạy lái xe … Các cơ quan nhà nước sẽ tập trung vào xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển; xây dựng thể chế chính sách; hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện; tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, với những việc khác, cơ quan nhà nước không nên làm. Nhà nước nên cầm đèn, chứ đừng để Nhà nước cầm búa, chúng ta chỉ làm những việc tầm vĩ mô. Với cách thức như vậy, sắp tới, việc sắp xếp sẽ đẩy nhanh quá trình xã hội hóa, loại bớt những nhiệm vụ của Nhà nước không cần phải nắm giữ.