Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Nếu chưa chín thì chưa trình dự thảo văn bản pháp luật

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Trong tất cả phiên họp thường kỳ của Chính phủ và mỗi một năm có 2 cuộc họp chuyên đề về công tác thể chế thì đều thật sự ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng các văn bản chồng chéo, hết hiệu lực hoặc chưa phù hợp là một thực tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện theo chuyên đề. Cụ thể, Chính phủ đã có báo cáo số 442 trình Quốc hội gồm 56 trang cùng 11 phụ lục. Đây là kết quả làm việc của tất cả các bộ ngành trong 6 tháng để gửi tới Quốc hội. Các số liệu cụ thể về những nhóm, những vấn đề chồng chéo thì đã được báo cáo rõ.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do khả năng của chúng ta còn hạn chế. Trong công tác xây dựng pháp luật chúng ta nhìn chưa kể hết được vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt chưa xử lý được vấn đề liên ngành, nội dung liên ngành.
Bộ trưởng Lê Thành Long đưa ra ví dụ quan hệ giữa Luật Đầu tư công, rồi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung để xử lý các bất cập này.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về nguyên nhân chủ quan, nhiều vấn đề rất khó và có biến động mà phải cập nhật ngay lập tức. Ngay Covid-19 cũng phải cập nhật hay các yêu cầu đặt ra trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được cập nhật.
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị 3 vấn đề: Một là, các chủ thể đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh và các băn bản thì cần cân nhắc thật kỹ; rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hai là, khi soạn thảo các văn bản pháp luật thì phải đặt trong bối cảnh liên ngành, liên lĩnh vực và chỉ cần một vướng mắc trong 1 lĩnh vực khác thì ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác thành ra các nhóm luật sẽ không thực thi được. Ba là, tập trung nguồn lực vào yếu tố con người, đây vẫn là yếu tố cơ bản. Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đánh giá của đại biểu Mong Văn Tình về tình trạng chậm ban hành văn bản là chính xác. "Đây cũng là một tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua nhưng chưa khắc phục triệt để. Có thời điểm tốt, ví dụ từ năm 2017 Chính phủ không có văn bản nợ nào. Năm 2018 nợ 4; 2019 nợ 10; 2020 khi báo cáo Quốc hội thì nợ 20 nhưng vừa cập nhật trưa nay chỉ còn 11." - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Tôi vẫn khẳng định lý do chủ quan là bản thân các bộ, ngành trong đó có cố gắng chưa kịp thời của Bộ Tư pháp, trong công tác tham mưu chung”.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, có một số lý do khách quan như: thời gian vừa qua thì có luật giao ban hành rất nhiều văn bản quy định chi tiết. Chẳng hạn như Luật Thi hành án hình sự có tới 40 nội dung quy định chi tiết. Luật Đầu tư công là 30 nội dung và thời hạn có hiệu lực thì chỉ có 6 tháng sau khi ban hành. Cùng với đó có những vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, trước hết vẫn phải là sự cố gắng của từng bộ, từng ngành; coi đây là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm và cũng là một tiêu chí để đánh giá cán bộ trong công tác thi đua và công tác bổ nhiệm.
Đồng thời, cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, khi làm luật, làm văn bản thì phải song song với văn quy định chi tiết. Nếu chưa chín thì chưa trình, phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật mới khi trình dự thảo luật thì phải trình đề cương văn bản quy định chi tiết.

Cơ quan thi hành án đã thi hành 3,5 triệu vụ án, thu lại 200.000 tỷ đồng

Cũng tại buổi chất vấn, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về thi hành án dân sự, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn tỉnh Điện Biên) nêu rõ: trong nhiều năm qua, số án dân sự có điều kiện thi hành - số đã qua xác minh và xác định là có điều kiện thi hành - thì tỷ lệ thi hành xong đã thấp, mấy năm gần đây đạt khoảng 40%, năm nay đạt 40,1 %. Đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Bộ trưởng cho biết tỷ lệ thi hành án thấp như trên có nguyên nhân từ phía trách nhiệm của một số cơ quan thi hành án dân sự chưa cao hay không và nếu có giải pháp mà Bộ trưởng sẽ đề ra trong thời gian tới như thế nào?

Cũng liên quan đến công tác thi hành án, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn tỉnh Thái Bình) cũng muốn chuyển tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp: "Lý do nào từ đó đến nay chưa thấy có sự thay đổi này? Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như thế nào?”

Trả lời các câu hỏi về công tác thi hành án, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong 5 năm qua, cơ quan thi hành án đã thi hành 3,5 triệu vụ án, thu lại 200.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 54.000 tỷ đồng. Những khó khăn khách quan hiện nay là nhiều vụ án được tuyên số tiền phải thi hành rất lớn nhưng thực tế lại không có hoặc tiền, tài sản nằm ở nhiều nơi, có nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý. Về chủ quan, hệ thống thi hành án chưa có sự tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thành lập tổ công tác đi làm việc từng nơi, từng địa phương, chọn một số vụ án trọng tâm, trọng điểm để xử lý. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc thu hồi tài sản là nhiệm vụ cả hệ thống chứ không riêng cơ quan thi hành án.

Đối với công tác theo dõi thi hành bản án hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, tỷ lệ còn thấp, không được như ý muốn do những vướng mắc trong Luật Tố tụng hành chính, cơ chế thi hành và trách nhiệm cơ quan theo dõi.