Nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh chủ đề này.
| Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
|
Năm 2020 chấm dứt tình trạng quá tải bệnh việnThưa Bộ trưởng, vấn đề nhiều người dân quan tâm hiện nay vẫn là tình trạng quá tải bệnh viện (BV). Theo đánh giá của bà, giải quyết quá tải BV đã đạt hiệu quả hay chưa? Nếu chưa thì bao giờ Bộ Y tế thực hiện được mục tiêu này?- Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra của Đề án giảm quá tải BV. Hiện tình trạng quá tải BV đang từng bước được giải quyết. Đối với khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. 37/39 BV tuyến T.Ư đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tuy nhiên, ở tuyến T.Ư vẫn còn vài BV lớn chưa ký cam kết không để người bệnh nằm ghép do số người tham gia BHYT gia tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm. Nhiều bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng người dân vẫn muốn lên tuyến trên gây nên quá tải. Ngoài ra, cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Số giường bệnh thực kê tăng nhanh, nhưng không song hành với tăng nhân lực để đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng tương ứng với nhu cầu điều trị gia tăng. Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải BV.
Năm qua, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đưa ra thông điệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân là vấn đề quan trọng đặc biệt. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số ý tưởng, giải pháp đưa y tế Việt Nam phát triển?- Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người dân làm trung tâm, bao phủ toàn bộ các khu vực địa lý, đặc biệt quan tâm tới các nhóm dân cư yếu thế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức, lựa chọn thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu điều trị với chi phí phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHYT và khả năng chi trả của người dân. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý BV như DN công ích.
Phải xem tai biến y khoa là lỗi hệ thốngThưa bà, Bộ Y tế có thống kê được mỗi năm ngành xảy ra bao nhiêu sự cố tai biến y khoa, dường như đây vẫn là vấn đề nan giải của ngành?- Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc. Tuy nhiên, để sớm có thông tin nhằm quản lý các trường hợp tai biến y khoa tốt hơn, Bộ đang xây dựng Dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
|
Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai (Hà Nội) thực hiện kỹ thuật mổ nội soi cắt túi mật. Ảnh: Hải Lý |
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa có tính chất hệ thống như lãnh đạo cơ sở chưa đặt an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong cải tiến chất lượng BV. Trong hoạt động quản lý BV vẫn còn tồn tại suy nghĩ nguyên nhân của sự cố y khoa chủ yếu là do lỗi cá nhân, ít khi xem xét lỗi hệ thống. Cũng phải thẳng thẳn nhìn nhận, ngoài lỗi hệ thống, nguyên nhân gây tai biến còn do lỗi cá nhân, đó là nhân viên y tế không tuân thủ đúng quy trình, quy định về an toàn đối với bệnh nhân khi thực hiện các kỹ thuật. Việc trao đổi thông tin giữa người bệnh, nhân viên y tế và người quản lý còn nhiều hạn chế.
Nghị định của Chính phủ quy định mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các bác sĩ, trong trường hợp tai biến y khoa sẽ có bảo hiểm đứng ra giải quyết, trên thực tế, việc mua bảo hiểm này đã được các BV thực hiện thế nào, thưa bà?- Việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám, chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra. Số lượng BV tham gia bảo hiểm trách nhiệm hiện mới chỉ đạt khoảng gần 10%. Lý do, bảo hiểm trách nhiệm là loại hình mới mà các DN bảo hiểm tại Việt Nam mới tiếp cận, lại mang tính đặc thù chuyên môn cao nên cần có thời gian thử nghiệm, triển khai từng bước. Tới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm bảo hiểm theo vụ việc, chuyên khoa, đa khoa, hạng BV...
Áp lực nặng nề của người thầy thuốcThời gian gần đây, liên tiếp các vụ hành hung thầy thuốc xảy ra trên cả nước, bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?- Thật đáng tiếc là hiện tượng bạo hành nhân viên y tế có biểu hiện gia tăng. Công luận chỉ biết đến những hành vi tấn công bằng bạo lực, ít biết đến những hành vi bạo hành khác như chửi bới, dọa nạt, đe dọa qua tin nhắn… Những hành vi đó tạo áp lực nặng nề đối với người thầy thuốc, khiến họ khó an tâm làm việc và đặc biệt không giữ được cân bằng tâm lý để thực hiện những y vụ khó khăn. Bạo hành cán bộ y tế là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm. Nhưng thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng xử lý rốt ráo những vụ bạo hành này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu và đưa ra hình phạt bổ sung đối với những hành vi bạo hành cán bộ y tế, coi đó tương đương như những vi phạm quy định trong tội danh “tấn công người thi hành công vụ”.
Bà có cho rằng, bạo hành xảy ra, một phần nguyên nhân là do chất lượng phục vụ, thái độ của nhân viên y tế chưa tốt?- Mặc dù cả hệ thống y tế đang nỗ lực cải tiến chất lượng, nhưng vẫn có những BV, nhân viên y tế chưa toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn. Thời gian tới, ngành quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như tiếp tục đổi mới phong cách thái độ, hướng tới sự hài lòng người bệnh, học tập nâng cao thái độ ứng xử, y đức… Giải pháp lâu dài là sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng BV vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây chính là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các BV cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa.
Đây là vấn đề khiến Bộ trưởng trăn trở, tâm tư, nhất là sau vụ bác sĩ ở Yên Bái bị hành hung ngay sau dịp Tết vừa qua?- Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các BV, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc. Một thực tế đáng buồn, đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần lên án và loại trừ khỏi đời sống xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!