Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng GTVT: "Chưa xử phạt xe không chính chủ"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Không phải Bộ Giao thông chùn tay xử phạt người không sang tên đổi chủ phương tiện mà là tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu chiều 11/3.

Nội dung phạt chủ xe chưa sang tên đổi chủ, không nộp phí bảo trì, đội mũ bảo hiểm giả được thảo luận sôi nổi tại buổi lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt, chiều 11/3.

Theo bà Lê Minh Châu, Phó vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, sau khi dự thảo lần hai của Nghị định được đăng tải lấy ý kiến người dân, cơ quan này đã nhận được 300 ý kiến. Trong đó, đa số không đồng tình khi đưa mức xử phạt người chưa sang tên đổi chủ vào nghị định vì cho rằng các văn bản pháp lý để người dân đi sang tên xe chưa đầy đủ nên sẽ bất hợp lý nếu phạt. Bà Châu cho rằng chưa nên đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định.
 
Bộ trưởng GTVT: "Chưa xử phạt xe không chính chủ" - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, hành vi phạt người chưa sang tên đổi chủ là chính xác, song hiện nay hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn người dân đi sang tên phương tiện chưa thật rõ ràng nên dự thảo Nghị định chưa nên đưa nội dung phạt hành vi này vào.

Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng CSGT đường bộ đường sắt, lại cho rằng, các văn bản quy định về hành vi không sang tên phương tiện đã rõ ràng, việc xử phạt không phải là mới. Trong khi đó xảy ra tai nạn giao thông hay các vụ trọng án, việc điều tra phương tiện mang tên người khác rất khó khăn. Phương tiện mang đúng tên chủ sở hữu cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi cho dân. Do vậy, cần đưa quy định phạt hành vi không chuyển tên trong dự thảo Nghị định.

“Chính phủ đã giao cho các ban ngành xử phạt qua tài khoản, do vậy xe phải chính chủ, cũng để cơ quan quản lý phương tiện được tốt”, ông Trần Sơn Hà nhấn mạnh.

Thượng tá Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết để đảm bảo thuận lợi cho người dân đi sang tên phương tiện, Bộ đã ban hành Thông tư 12, sửa đổi thông tư 36 trước đây, sẽ có hiệu lực từ 1/7. Bộ cũng có lộ trình cho phương sang tên đổi chủ đến hết 2014, sau thời gian đó mới xử phạt xe không sang tên đổi chủ. Do vậy, quy định để cho chủ phương tiện đi sang tên xe đến nay đã đầy đủ. "Việc phạt người không sang tên phương tiện là đúng, bây giờ chúng ta cần quan tâm là mức phạt như thế nào cho hợp lý”, thượng tá Cương nêu ý kiến.

Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Quyền lại lo ngại ngành công an hiện nay mới áp dụng cách xác minh chủ xe khá thủ công, chỉ bằng mắt thường. Do vậy, cần cải tiến bằng các biện pháp phát hiện chủ xe không sang tên đổi chủ được nhanh, hiện đại, không nên để người dân phải chứng minh là chủ xe hay không. Nếu người dân phải mang giấy đi mượn xe để trình công an là không đúng.

Để tạo thuận lợi cho người dân, đại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính, đề nghị đưa nội dung phạt người chưa sang tên đổi chủ cùng một số hành vi như phạt nguội, gây tai nạn giao thông. Khi cảnh sát giao thông xử lý các hành vi này sẽ kết hợp phạt nếu phát hiện chủ xe đó không chuyển tên.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp của người dân và cơ quan chuyên môn. Việc Bộ Giao thông soạn thảo nghị định là đúng trình tự quy định, để thực thi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 7/2013.

 
Bộ trưởng GTVT: "Chưa xử phạt xe không chính chủ" - Ảnh 2
 
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
 

Với nội dung phạt xe không chính chủ, Bộ trưởng Thăng cho rằng quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có, song trong quá trình thực hiện cho thấy tính khả thi không cao nên đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị định. Khi các cơ quan nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp xác minh nguồn gốc xe tốt hơn thì sẽ đưa quy định này vào Nghị định.

Ông lấy ví dụ, người vi phạm một hành vi song lại bị tạm giữ xe để cảnh sát giao thông điều tra xe đó chính chủ hay không. Việc này sẽ gây khó khăn cho dân khi họ đang vội đi đâu đó. Dù Bộ Công an không yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc xe, song vẫn có thể gây phiền cho dân. Do vậy, các cơ quan cần nghiên cứu biện pháp xác minh nguồn gốc được rõ ràng, minh bạch hơn.

Nội dung phạt người không mua phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu đưa ra khỏi dự thảo Nghị định, mà có văn bản với Bộ Tài chính đưa vào Nghị định xử phạt phí và lệ phí. Ông đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến về xử phạt mũ bảo hiểm, bổ sung nội dung người đội mũ bảo hiểm không có 3 phần: vỏ mũ, đệm hấp thu xung động và quai mũ.

“3 nội dung này vẫn tiếp tục được lấy ý kiến người dân, nếu nhiều người cho rằng nên đưa vào Nghị định thì chúng ta lại đưa vào. Không phải Bộ Giao thông chùn tay xử phạt người không sang tên đổi chủ phương tiện mà là tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân. Nếu các bộ ban ngành còn không thống nhất thì sẽ xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ sẽ biểu quyết trước khi ban hành Nghị định”, Bộ trưởng Thăng bày tỏ.