Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ xét tuyển khối C vì nhu cầu xã hội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin năm 2017, một số trường công an không xét tuyển sinh khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cho một số ngành, những thí sinh (TS) học theo tổ hợp truyền thống này hết sức bất ngờ, bởi việc ôn luyện đã diễn ra từ hơn 2 năm trước.

25% chỉ tiêu tuyển sinh cho khối truyền thống
Theo thông báo của Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, một số ngành đại học (ĐH) chính quy của các trường công an không tuyển sinh khối C truyền thống. Thay vào  đó, các trường sẽ xét tuyển khối C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) cho ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Luật, Nghiệp vụ an ninh, Cảnh sát. Ông Nguyễn Văn Ly - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, năm 2017, chỉ tiêu vào ĐH chính quy các trường công an dự kiến giảm mạnh, sẽ có ngành số lượng tuyển còn rất ít. Nếu sử dụng 4 tổ hợp thì rất khó xét tuyển nên muốn làm gọn lại. Hơn nữa việc đổi mới thi là theo lộ trình, giảm một tổ hợp môn cũng nhằm giải quyết bài toán chỉ tiêu. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành đã quy định rõ: Những trường sử dụng các bài thi/môn thi mới khác ngoài các khối thi truyền thống đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối truyền thống. Quy định này chỉ được thực hiện trong năm 2017.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016 tại Đại học Sư phạm Hà Nội.       Ảnh: Phạm Hùng

Dù hiểu rằng các trường công an lấy môn Toán làm chủ đạo với mong muốn tuyển sinh viên có tư duy tốt, đào tạo có kết quả cao, song ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội không hoàn toàn ủng hộ việc này: “Các trường ĐH có thay đổi tổ hợp môn thi cũng nên dành 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo khối truyền thống. Đây là quy định bắt buộc trong quy chế tuyển sinh, cũng là bước đệm để tránh sự thay đổi đột ngột khiến TS trở tay không kịp”. Đồng quan điểm, PGS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, năm nay, các trường nên duy trì xét tuyển theo khối C, nếu như năm ngoái có sử dụng.
Thay đổi trường hay ngành, phụ thuộc vào thí sinh
Trước thay đổi tổ hợp xét tuyển sinh của các trường công an, TS ôn luyện theo khối C đang phân vân: Chuyển sang trường ĐH khác có xét tuyển khối C, hay vẫn đăng ký vào ngành đó ở trường công an nhưng là tổ hợp xét tuyển khác. Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng khuyên các em nhận thức cho đúng. Tức là chọn nghề phù hợp với khả năng, cũng như môi trường, nghề nào phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Ngoài khối trường công an, năm nay vẫn có một số trường ĐH dự kiến vẫn tuyển sinh khối C, nên các em vẫn có cơ hội đăng ký xét tuyển. Còn các em muốn vào trường công an để có học bổng, ra trường được bố trí việc làm thì nên điều chỉnh khối học ngay từ bây giờ, cho dù có sự cập rập.
Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, việc chuyển khối thi hay thay đổi ngành là do người học tự đánh giá năng lực và mong muốn của mình. Mình phải xác định việc học tốn bao nhiêu thời gian. Nếu chạy sang trường khác để đáp ứng khối thi đã và đang ôn tập nhưng không đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng về ngành thì không nên. Điều quan trọng là đáp ứng yêu cầu về ngành để sau này ra trường có sự đam mê làm việc.
Với việc nhiều tổ hợp mới ra đời, các chuyên gia cho rằng khối C đã hoàn thành nhiệm vụ. Đất nước đã hội nhập, người ta cần Toán để tính toán và tư duy logic, Ngoại ngữ để giao tiếp và làm việc với người nước ngoài, nên tổ hợp khối C còn rất ít trường ĐH, CĐ sử dụng. Vậy khối C đi về đâu? Câu trả lời của những người làm giáo dục đó là "biến tấu" khối C, bởi các ngành khoa học đan xen với nhau. Thực tế, ngành nghề phát triển, tổ hợp môn xét tuyển cũng phải tích hợp nhiều khoa học để hình thành. Hơn nữa, việc xây dựng tổ hợp môn thế nào là do mong muốn của nhà trường tuyển được sinh viên đúng với năng lực. “Chúng ta không mang các khối truyền thống, lạc hậu ra để áp đặt cho các trường phải sử dụng. Có thể từng môn trong khối C tản đi tạo thành các tổ hợp khác nhau. Bây giờ không có khối thiên hoàn toàn về tự nhiên hay xã hội, mà phải có sự kết hợp cả hai để có tổ hợp phù hợp với từng ngành nghề” – ông Lâm cho hay.