Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bóc mẽ" tội phạm ngoại ở Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Hiện phổ biến tình trạng người gốc phi buôn ma túy, tham gia vào các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia; tham gia vào các nhóm lừa đảo trên mạng. Đáng nói là các đối tượng này đã đường hoàng vào Việt Nam...

Thời gian gần đây người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các đối tượng người Châu Phi. Tuy nhiên, có một khó khăn là việc trục xuất các đối tượng phạm tội này về nước không hề dễ dàng gì vì không có tiền mua vé về cho đối tượng hoặc có đối tượng đã tự vứt hộ chiếu đi.

Liên quan đến sự việc này, Đại tá, PGS - Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm ngiên cứu tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân đã có những chia sẻ thú vị.

Theo kinh nghiệm của nước ngoài, khi một câu lạc bộ hay một doanh nghiệp khi mời một cầu thủ hay lao động đến để thử việc, họ sẽ yêu cầu người được mời phải mua vé khứ hồi và phải xin loại visa có thời hạn. Vì vậy, khi đến sau khi kiểm tra sức khỏe, thử việc, nếu đạt yêu cầu, đơn vị mời sẽ làm thủ tục xin giấy phép lao động cho người được mời.
Một nhóm tội phạm gốc Phi bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ.
Một nhóm tội phạm gốc Phi bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ.
Trong thời gian xin giấy phép, lúc này người được mời sẽ phải tạm thời về nước, lúc này người đó do đã có vé khứ hồi và hết hạn visa nên sẽ đương nhiên phải tạm thời về nước. Trong trường hợp không ký được hợp đồng, thì người đó sẽ phải về nước, trong trường hợp cố tình ở lại, thì cơ  quan chức năng sẽ làm thủ tục trục xuất. Do lúc này người bị trục xuất có vé khứ hồi nên việc trục xuất rất đơn giản. Sở dĩ làm được việc này là do cơ quan cấp visa và và đơn vị tuyển lao động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. 

"Nhưng hiện Việt Nam không làm thế. Cơ quan cấp visa và đơn vị tuyển lao động thường không có mối liên hệ với nhau. Thực tế hiện nay, khi các CLB bóng đá muốn tuyển cầu thủ châu Phi thường qua một cò mồi nên chỉ căn cứ vào một bản lý lịch nên không biết thực tế năng lực của người đó. Không những thế khi mời đến thử việc cũng không yêu cầu phải mua vé máy bay khứ hồi. Vì vậy, sau khi thử việc mà không đạt yêu cầu, các câu lạc bộ không ký hợp đồng thì số này thường tìm cách ở lại Việt Nam trái phép", Đại tá Nguyễn Minh Đức nói.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan cấp visa khi cấp sẽ chỉ căn cứ vào đối tượng đó có thuộc diện cấm nhập cảnh vào Việt Nam hay không, nếu không là sẽ cấp  mà không quan tâm người đó đến Việt Nam để làm gì, du lịch hay lao động. "Do đó, khi các đơn vị tuyển lao động không ký hợp đồng, do điều kiện sống ở Việt Nam tốt hơn nhiều ở châu Phi nên một số người châu Phi đã ở lại trái phép, ngay cả khi hết hạn visa họ cũng cố tình ở lại. Lúc này, dù có muốn trục xuất cũng rất khó vì họ không có vé máy bay khứ hồi, Nhà nước cũng không thể cấp kinh phí mua vé cho họ về nước khi số người châu Phi này đã lên tới hàng ngàn người; cũng không thể truy được trách nhiệm đơn vị, doanh nghiệp nào đã mời những người này vào Việt Nam thử việc", Đại tá Nguyễn Minh Đức cho biết.

Một thực trạng khác là hiện nay nhiều dự án  do doanh nghiệp nước ngoài làm tổng thầu EPC, do là tổng thầu nên có cả gói thầu cung cấp lao động. Hiện nay Việt Nam có chính sách miễn visa với một số nước, lợi dụng việc này, nhiều chủ thầu đã ký hơp đồng lao động trái phép với những người chỉ có visa du lịch hoặc đến Việt Nam dưới danh nghĩa khách du lịch. Những đối tượng này khi đến Việt Nam cũng chỉ mua vé máy bay một chiều chứ không mua vé khứ hồi, do đó ngay cả khi phát hiện ra thì cơ quan chức năng cũng khó trục xuất vì không yêu cầu được họ phải mua vé về nước.

Khi đến Việt Nam, do không có việc làm, những người Phi này sẽ phạm tội. Hiện phổ biến tình trạng người gốc phi buôn ma túy, tham gia vào các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia; tham gia vào các nhóm lừa đảo trên mạng.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Đức, để ngăn chặn tình trạng người châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam rồi ở lại, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước cần phải xác minh năng lực thực tế của những người đến Việt Nam để đá bóng chứ không chỉ căn cứ vào bản lý lịch. 

"Cần thiết phải sửa luật xuất nhập cảnh, xác định đối tượng đến Việt Nam du lịch hay đến để tìm việc làm. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện  ngoại giao của Việt Nam ở các nước trong việc cấp visa.  Phải có quy định xử phạt nghiêm những nhà thầu sử dụng lao động chui là người nước ngoài. Yêu cầu các CLB bóng đá khi tuyển người châu Phi đến thử việc phải yêu cầu có vé khứ hồi, để khi không đạt yêu cầu sẽ phải tự nguyện về nước; nếu không thì khi không đạt yêu cầu, chính câu lạc bộ đó phải mua vé cho những người này về nước", Đại tá Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.