Phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ đánh chặn bên trong ADIZ ở biển Hoa Đông vào tháng 1/2019. |
Một bài viết, được đăng tải bởi Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của ĐH Bắc Kinh hôm 6/7, đã tỏ ý phủ nhận việc Trung Quốc có ý định lập ADIZ ở Biển Đông để phục vụ tham vọng chiếm quyền kiểm soát một phần không phận trên tuyến đường thủy quan trọng này.
Nhóm tác giả của bài viết bao gồm Cao Qun - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bao Yinan - Phó Giáo sư tại ĐH Khoa học Chính trị và Luật Quốc tế Đông Trung Quốc.
Bài viết đã nhắc đến các báo cáo gần đây từ truyền thông quốc tế, bao gồm một bài báo được xuất bản trên SCMP hôm 31/5, là một trong những nguồn tin về việc Chính phủ Bắc Kinh dự định công bố ADIZ ở Biển Đông trong thời gian sớm nhất có thể. Nhóm học giả cũng dẫn lại ý kiến của Tổng tư lệnh Không quân Hoa Kỳ Charles Q. Brown Jnr hôm 24/6 vừa qua, cho rằng việc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ đi ngược lại "trật tự pháp lý quốc tế" và định nghĩa về một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Từ đó, Cao và Bao gọi đây là những "lý thuyết bịa đặt" của phương Tây, hòng chia rẽ quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Luận điệu này dường như đang lặp lại các chỉ trích của Bắc Kinh đối với Washington, về các cuộc tập trận chồng chéo nhau trên Biển Đông hồi cuối tuần qua của Mỹ và Trung Quốc.
Theo SCMP, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, đã có những tin đồn về tham vọng của Bắc Kinh đối với một khu vực tương tự ở Biển Đông, bao phủ toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Bắc Kinh dự định công bố ADIZ này "vào một thời điểm thích hợp".
SCMP lưu ý, mặc dù khăng khăng rằng các đồn đoán gần đây về ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông là hư cấu, bài viết của SCSPI lại khẳng định rằng Trung Quốc "có quyền thiết lập một ADIZ ở Biển Đông" và "không bắt buộc phải báo cáo cho bất kỳ ai về thời gian và chi tiết cụ thể như vậy".
Thực tế, những khu vực nhận dạng phòng không như vậy không phải là hiếm và nhiều quốc gia đã thiết lập chúng để cung cấp một hệ thống cảnh báo sớm về các cuộc xâm nhập của máy bay thù địch. Chúng vẫn được coi là không phận quốc tế, nhưng nếu một máy bay đi vào mà không có cảnh báo thì nó thường sẽ bị chặn để xác định xem liệu nó có gây ra mối đe dọa nào hay không.
Giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Bonnie Glaser nhận định, Bắc Kinh rõ ràng muốn thiết lập một ADIZ như vậy nhằm "phục vụ tham vọng lớn hơn là kiểm soát hoàn toàn Biển Đông". Bà cũng lưu ý rằng, một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại về một khu vực như vậy, bởi nó vượt xa những gì hầu hết các quốc gia khác thường yêu cầu.
"Ví dụ, nó (ADIZ ở biển Hoa Đông) yêu cầu tất cả các máy bay bay trong phạm vi ADIZ, dù có ý định xâm nhập không phận của Trung Quốc hay không, đều phải tuân thủ các yêu cầu nhận dạng. Trong khi Mỹ chỉ yêu cầu máy bay có ý định xâm nhập không phận nước này mới cần tuân thủ các quy tắc của nó", bà Glaser giải thích.
Thêm vào đó, một điều đáng ngại hơn là trong trường hợp máy bay không tuân thủ, nó có thể kích động quân đội Trung Quốc thực hiện "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp". Nếu điều này được áp dụng cho Biển Đông, nó chắc chắn sẽ làm gia tăng các nguy cơ đụng độ không đáng có.
Trở lại bài viết trên SCSPI, nhóm tác giả Cao và Bao đã "tẩy trắng" rằng khu vực ADIZ của một quốc gia không có mối liên hệ trực tiếp nào với các yêu sách chủ quyền lãnh thổ hoặc ranh giới hàng hải của nước đó.
"Điều này có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng ADIZ của Trung Quốc tại biển Hoa Đông lại trùng khớp với những tuyên bố gây tranh cãi của Bắc Kinh về thềm lục địa, như là nguyên tắc cho việc phân định ranh giới", chuyên gia an ninh Đông Á Alessio Patalano tại ĐH King's London nói.
Do đó, trừ khi Trung Quốc làm rõ lại các nguyên tắc mà họ đã áp dụng cho ADIZ ở biển Hoa Đông, "sẽ khó có lý do gì để không quan ngại về một ADIZ ở Biển Đông mà nhiều khả năng liên quan đến các yêu sách chủ quyền hiện tại của Bắc Kinh", ông Patalano nói thêm.
Tuy nhiên chuyên gia này cảnh báo, với việc đã tạo lập các tiền đồn quân sự trong khu vực, Bắc Kinh dường như đã có đủ những gì cần thiết để tiến hành giám sát và trinh sát, và việc thiết lập một ADIZ có thể chỉ là một "công cụ chính trị" của Trung Quốc.