Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bồi bổ không đúng cách trước mùa thi: Tác dụng ngược!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kỳ thi ĐH, CĐ đang đến gần, nên rất nhiều học sinh căng mình học ngày, học đêm. Để đảm bảo sức khỏe, tăng trí nhớ, các bậc phụ huynh tìm cách nhồi nhét đủ loại thực phẩm, từ thức ăn bổ dưỡng đến thuốc bổ não, tăng trí nhớ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc ép học, ép ăn, uống sẽ có tác dụng ngược.

Ép ăn, ép học

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp lớp12, Lê Mai Hoa (trường TTTH Lê Quý Đôn, Hà Đông), đã lao vào học ôn cấp tốc tại lò luyện thi gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ban ngày Hoa học 2 ca sáng, song đến chiều và buổi đêm vẫn miệt mài sách vở đến 2, 3 giờ sáng. Nhiều hôm buồn ngủ ríu mắt, Hoa dùng cafe, trà đặc cho đỡ buồn ngủ. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hoa gầy rộc, ăn, ngủ kém, khiến gia đình lo lắng đưa đi khám bác sĩ thì mới biết em bị suy nhược thần kinh vì quá căng thẳng.

Trường hợp khác là Trần Thúy Quỳnh (đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân) đã trượt trong kỳ thi ĐH năm trước. Bố mẹ Quỳnh đặt mục tiêu bằng mọi cách năm nay phải đỗ ít nhất một trường ĐH. Càng gần đến ngày thi, Quỳnh càng bị bố mẹ ép học, mẹ em còn tìm đủ loại thực phẩm bổ dưỡng ép ăn. Vì thế, hiện nay, cứ nhìn vào mâm cơm là Quỳnh… ngán. Quan điểm của mẹ em lại khác: "Em nó đến lớp luyện thi từ sáng đến tối, đêm về học bài đến gần sáng, không ăn uống tẩm bổ sao học nổi. Nhiều hôm thấy xót con lắm, nhưng nước rút rồi, đành khuyên con cố thêm mấy hôm nữa, thi xong nghỉ ngơi thoải mái" - mẹ Quỳnh nói với tôi.

Bồi bổ không đúng cách trước mùa thi: Tác dụng ngược! - Ảnh 1

Ngoài ra, nhiều phụ huynh đã tìm đến các loại thực phẩm chức năng, vitamin cũng như thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ với mong muốn con có sức khỏe, đầu óc minh mẫn để làm tốt bài thi.

Hậu quả

Hậu quả của việc học hành căng thẳng, lạm dụng nhiều loại thuốc, trước mùa thi ĐH, CĐ năm nay, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện để điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mấy tuần trở lại đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận những học sinh có dấu hiệu tâm thần, hoang tưởng do ôn thi căng thẳng và bị bố mẹ nhồi nhét các loại thuốc bổ như hoạt huyết dưỡng não, tăng cường chức năng tuần hoàn não. Đại đa số các em nhập viện trong trạng thái bị kích thần, tổn thương nặng với các biểu hiện như mất ngủ triền miên, hoang tưởng…

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, chăm sóc dinh dưỡng cho con cái trong mùa thi là cần thiết nhưng việc chăm sóc phải phù hợp với nhu cầu chứ không nên nhồi nhét. Khi dinh dưỡng đáp ứng vượt quá nhu cầu sẽ làm cho thí sinh thêm mệt mỏi. Còn việc thường xuyên sử dụng thuốc bổ, thuốc tăng trí nhớ sẽ khiến người sử dụng bị lệ thuộc vào thuốc, khả năng tư duy và trí nhớ giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và thi cử. "Chẳng có loại thuốc nào được chứng minh là tăng cường trí nhớ, chỉ có những loại thuốc dùng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ. Phụ huynh và học sinh cần cẩn thận trước thông tin quảng cáo của nhà sản xuất. Muốn dùng một loại thuốc nào đó phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Dũng, dù bận rộn đến mức nào, các em học sinh cũng nên ngủ đủ giấc, khi được ngủ đủ giấc, cơ thể mới lấy lại sức lực, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn để tiếp thu và nhớ bài tốt hơn. Nhiều em học sinh học đêm, học ngày, ngủ ít, nghỉ ít, dù cố đến thế nào cũng sẽ có tác dụng ngược. Thời gian tốt nhất để học mỗi lần là khoảng 40 - 45 phút. Giữa các giờ học, học sinh phải có các hoạt động thể chất, thư giãn, nghỉ ngơi… Một phương pháp học tốt là biết chọn lọc điều cần nhớ, biết liên tưởng, xen kẽ học với thư giãn…, tránh học dồn nén kiểu "nước đến chân mới nhảy".