Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bối cảnh mới, quyết sách mới

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể khẳng định, đây là một Nghị quyết vô cùng đúng đắn, kịp thời của Đảng, tạo tiền đề quan trọng mang lại nhiều đổi thay đột phá cho nông nghiệp, nông thôn nước ta.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X)
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa toàn cầu, đòi hỏi phải có những quyết sách mới, toàn diện hơn cho khu vực tam nông tiếp tục bứt phá.
Bức tranh nông thôn thời kỳ đổi mới với nhiều gam màu tươi sáng đã và đang hiện diện ở khắp mọi vùng quê, tỉnh, thành trên cả nước. Cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, những cánh đồng mẫu lớn ứng dụng cơ giới hóa ngày càng nhân rộng, đời sống nông dân được cải thiện… là những kết quả không thể phủ nhận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò, vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên.

Những con số ấn tượng được Ban Kinh tế T.Ư tổng kết đã minh chứng rõ nét thành quả đó. Tiêu biểu như, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,66%/năm. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng khắp cả nước với gần 4.000 xã, chiếm khoảng 40% tổng số xã cả nước hiện về đích. Một điểm nhấn nữa là xuất khẩu nông sản Việt hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nông sản Việt đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn nhất, nông nghiệp đã vươn lên trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X ra đời xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới. Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên kinh tế số hiện nay, với nhiều Hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được ký kết, mở ra những cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức, áp lực cạnh tranh cho nông nghiệp, nông thôn nước ta. Đặc biệt, bối cảnh mới cũng đòi hỏi phải khắc phục sớm những tồn tại, hạn chế đang tồn tại như công nghệ bảo quản nông sản còn yếu, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết. Hay nhiều DN vẫn than phiền về rào cảo đất đai, vốn, thủ tục hành chính khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, chúng ta vận hành một nền nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ có nhiều mô hình nông nghiệp mới, tư duy sáng kiến mới mà Nghị quyết chưa bao quát hết. Đó là một thách thức lớn cho những người làm chính sách. Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế T.Ư, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổng kết, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là thể chế pháp luật về đất đai, về sản xuất hàng hóa lớn, liên kết sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách tín dụng… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản và đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.

Rõ ràng, trong bối cảnh mới, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục đổi mới tư duy, tạo đột phá hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn, chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và chủ động hội nhập. Có như vậy, nông nghiệp, nông thôn mới có đà bứt phá mạnh mẽ hơn và tiếp tục tạo nên những kỳ tích.