Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bói toán tung hoành ở hội Gióng Phù Đổng

Bài, ảnh: Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quầy đồ chơi Trung Quốc giá chỉ 10.000 - 15.000 đồng; nhạc bolero xập xình… ngập không gian lễ hội Gióng Phù Đổng 2017; thậm chí những chiếc bàn xem tướng qua nốt ruồi, đường chỉ tay được bày ngay ở sân đền, trước cửa chính cung.

Năm 2017, Lễ hội Gióng Phù Đổng được tổ chức với quy mô cấp huyện, nhưng cũng không quy củ là mấy so với quy mô cấp xã. Khoảng chừng 500m trên con đê dẫn vào cổng chính của di tích, các loại hàng quán từ hàng giải khát cho đến hàng bán mũ, kính, dao, thớt… được bày bán la liệt. Trong khoảng 40m từ cổng đến sân đền chi chít các hàng đồ chơi súng ống, máy bay, búp bê… quảng cáo công khai.
Xem bói tràn lan trong sân đền Gióng Phù Đổng. Ảnh: Thanh Loan
Thậm chí, nhiều chủ hàng còn dùng loa công suất lớn để giới thiệu: “Chỉ có 39.000 đồng, muốn gì bạn cũng có”. Chưa hết, hàng nước mía, bán băng đĩa còn trải dài đến khu nhà hậu cung… Trước câu hỏi tại sao không quy hoạch các khu bán hàng riêng biệt, ông Trần Xuân Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, thành viên Ban tổ chức cho rằng: “Công tác tổ chức lễ hội đang gặp khó vì Khu di tích lịch sử Phù Đổng chưa có quy hoạch tổng thể. Mấy năm nay chúng tôi đã hạn chế hàng quán ở trong khu vực chính của di tích nhưng cũng chưa triệt để được hết”.
Phản cảm hơn cả là chính giữa sân đền Phù Đổng, hơn 10 chiếc bàn nhựa kê san sát, mời gọi du khách xem tướng, nhìn nốt ruồi đoán số phận. Hành động mê tín dị đoan bói toán tung hoành trong khu vực trang nghiêm nhất, nhưng lực lượng công an vẫn an nhàn ngồi uống nước ngay gần đó. Xa xa người đàn ông được cho là tật nguyền hát nhạc bolero rải gạo rắc tiền trên mâm nhôm chờ lòng từ bi của du khách… Ông Nguyễn Xuân Hải (Hải Dương) cho biết: “Lễ hội của di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nơi tổ chức được xếp vào loại quốc gia đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc nhưng lại nhếch nhác, lộn xộn, coi thường du khách. Lần đầu về với lễ hội tôi hiểu được vì sao giá trị của di sản ở đây lớn như vậy nhưng quanh năm đìu hiu vắng khách. Lỗi là ở người tổ chức”.

Chiều 4/5, hội Gióng kết thúc sau 4 ngày mở hội (từ 1 - 4/5/2017, tức Mùng 6 - 9/4 âm lịch). Hội trận với 2 trận đánh ở nghi thức đặc sắc nhất của lễ hội nơi đây. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Trước năm 2012, nghi lễ cướp lộc trong các hội trận là màn đả thương của nhiều trai làng xung quanh xã Phù Đổng. Họ lợi dụng màn tranh lộc để dùng gậy gộc đánh thương theo từng nhóm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, Ban tổ chức đã xây dựng bãi Đồng Đám có 1 sân khấu cao gần 2m để tổ chức các trận đánh cờ, bãi Soi Bia có hào nước bao quanh. Lượng người tranh lộc vì thế giảm đi rất nhiều. Bạo lực lễ hội cũng không còn. Hội Gióng Phù Đổng lại thường trực nỗi lo mất bản sắc vì không gian di sản bị xâm chiếm.