Trước những dấu hiệu cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ), ông Haruhiko Kuroda nhận định, BOJ cần duy trì biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh nền kinh tế khó có thể đạt được mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% trong năm nay.
Ở thời điểm các định chế tài chính lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) liên tiếp có động thái hạn chế những biện pháp kích cầu đối với nền kinh tế, ông Kuroda thừa nhận, việc BOJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ đang đi ngược lại với xu thế chung. Tuy nhiên, ông Kuroda lý giải điều này được thực hiện dựa trên bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Nhật Bản: ”Tỷ lệ tăng trưởng cũng như tốc độ tăng tỷ giá của nền kinh tế Mỹ tốt hơn nhiều so với Nhật Bản”.
Theo đó, một trong những lý do chính dẫn đến tốc độ tăng tỉ giá thấp là tâm lý muốn duy trì tình trạng giảm phát trong giới DN và các tổ chức lao động tại Nhật Bản, khi người dân vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm đã định hình trong khoảng thời gian 2 thập kỷ nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng giảm phát. Giống như các đồng nghiệp tại Mỹ và châu Âu, ông Kuroda đang phải đối mặt với một nền kinh tế cho dù đang tăng trưởng nhưng chưa bền vững do tỉ lệ lạm phát và tốc độ tăng tỷ giá còn thấp. Tuy nhiên, trong khi FED bắt đầu nâng lãi suất và ECB tiến hành bình thường hoá chính sách tiền tệ, BOJ đã đi theo một lộ trình riêng khi tiếp tục đẩy mạnh chương trình mua sắm tài sản và duy trì lãi suất ở mức thấp, với mục tiêu kích cầu nền kinh tế, nhằm tránh trường hợp nền kinh tế bị quay trở lại vòng xoáy giảm phát.
Đây được cho là việc “cực chẳng đã”, bởi với đặc thù riêng, những nỗ lực của BOJ đã trở nên phức tạp hơn nhiều, nhất là khi cốt lõi vấn đề không thực sự nằm ở khía cạnh can thiệp tài chính thông thường mà các ngân hàng T.Ư thường đảm trách. BOJ sẽ chỉ có thể đi theo xu hướng chung khi nền kinh tế Nhật Bản rũ bỏ hoàn toàn những ám ảnh từ hệ quả của một giai đoạn kinh tế trì trệ. Tuy nhiên, điều này ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, còn cần đến sự chuyển biến trong tâm lý của các thành phần kinh tế.