Thành kính dâng hương tại đền Hùng
Ghi nhận tại Khu di tích lịch sử đền Hùng sáng 20/4, dù không phải ngày nghỉ lễ nhưng hàng nghìn con Lạc cháu Hồng từ vùng đất phương Nam xa xôi, hay gần hơn là người dân của các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai… đã hành hương về đây tri ân đức Tổ Hùng Vương. "Dù không phải cuối tuần nhưng gia đình tôi đã chủ động xuất phát từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng để lên đền dâng hương sớm. Hàng năm, gia đình tôi đều lên dâng lễ tại đền Hùng với tấm lòng thành kính bởi chúng tôi tâm niệm "Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, con người phải có tổ có tông" - bà Hoàng Thị Hoa, 54 tuổi, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ. Trong khi đó, dù ở không quá xa nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cũng đã có mặt từ rất sớm và không giấu niềm háo hức bởi năm 2020 lễ hội đền Hùng diễn ra đúng đợt cao điểm phòng, chống dịch covid-19 nên gia đình không có cơ hội dâng lễ lên các Vua Hùng.Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng, dù chưa phải chính lễ nhưng trong ngày 2 cuối tuần qua (17 và 18/4) đã có hơn 30.000 du khách thập phương về đền Hùng. Riêng trong ngày 18/4, lượng du khách ước đến trên 20.000 người. Trong những ngày giáp Giỗ Tổ, người dân có mặt tại Khu di tích lịch sử đền Hùng đều phấn khởi và chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch. Tay cầm tràng hạt, bước đi chậm rãi, bà Tống Minh Hưng (76 tuổi, đến từ Quảng Bình) cho biết: “Mỗi năm, vào dịp Giỗ Tổ, tôi đều cùng con cháu về Khu di tích lịch sử đền Hùng. Tuy đường sá xa xôi nhưng với tôi đây là cách giáo dục con cháu mình về tinh thần nhớ ơn ông bà, tổ tiên”.Lên kịch bản thích ứng với dịch bệnhTheo kế hoạch của Ban Tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021, các nội dung phần lễ bao gồm: Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 17/4 (tức ngày 6/3 âm lịch). Đáng chú ý nhất chính là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng vào ngày 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch). Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Tổ chức không tổ chức phần hội, thay vào đó chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: Đánh trống đồng, đâm đuống, hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày tỉnh Phú Thọ lần thứ 8.Một điểm mới trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là Ban Tổ chức đã lắp bảng thông báo mật độ du khách để người dân có thể lựa chọn hành trình di chuyển hợp lý, tránh đổ dồn quá đông vào một điểm gây lộn xộn và mất an toàn trong bối cảnh phải siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang cho biết: “Ban Tổ chức bố trí các điểm rửa tay, sát khuẩn tự động, phát khẩu trang miễn phí cho du khách. Ngoài ra, hệ thống loa truyền thanh được lắp dọc đường lên đền Hùng, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách, bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch cũng như khuyến cáo thực hiện 5K của Bộ Y tế”.Cũng theo Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, Ban Tổ chức đã phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên di tích để bảo đảm an toàn nhất về công tác phòng chống dịch. “Thuận lợi của Khu di tích là có diện tích rộng, đường lên và đường xuống được phân luồng khác nhau nên sẽ không có sự ùn ứ. Dự kiến ngày chính lễ sẽ đón khoảng 20.000 người về dâng hương bái Tổ” – ông Lê Trường Giang thông tin.
Ngoài các lễ dâng hương, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật ý nghĩa, hấp dẫn như trình diễn hát Xoan tại nhiều xã của TP Việt Trì; Giải bóng chuyền Vô địch Quốc gia – Cúp Hùng Vương; tour du lịch đêm đền Hùng chủ đề “Trở về cội nguồn – Linh thiêng đất Tổ”. Bên cạnh đó là màn bắn pháo hoa tầm cao cũng như chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”. |