Bóng đá Đông Nam Á từng chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của Thái Lan ở cả sân chơi cấp độ AFF Cup hay SEA Games. Trong quãng thời gian dài, người ta đã quen dần với việc người Thái luôn là ứng cử viên vô địch nặng ký ở các giải đấu cấp đội tuyển quốc gia hay đội tuyển trẻ, trong đó có tới 4 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016, 2017) vô địch cả AFF Cup lẫn SEA Games.
Tụt dốc không phanh
Thậm chí ngay cả khi thất bại ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) vẫn khăng khăng cho rằng đó là do trình độ của HLV Kiatisuk chưa đủ tầm. Chủ tịch FAT Somyot Poompunmuang vẫn cho rằng, với đẳng cấp của mình họ dứt khoát phải có vé vào đến vòng chung kết (VCK) của kỳ World Cup tiếp theo (tức năm 2022).
Thực tế FAT bằng mọi cách đặt chỉ tiêu đội tuyển của họ phải vào đến bán kết Asian Cup 2019, nằm trong nhóm có trình độ tiệm cận với những Nhật Bản hay Hàn Quốc. Quan chức bóng đá Thái Lan luôn cho rằng “voi chiến” đủ khả năng tranh chấp ngôi cao ở các giải tầm châu Á, đồng thời đủ khả năng giành vé đến với các kỳ World Cup và Olympic.
Việc đầu tiên của Chủ tịch FAT - ông Somyot gây sức ép để Kiatisuk tự xin nghỉ dọn chỗ cho HLV Milovan Rajevac (người Serbia) lên thay. FAT kỳ vọng ông Rajevac đã từng giúp Ghana, đội tuyển tầm trung bình châu Phi tại VCK World Cup 2010 sẽ làm được điều tương tự ở Thái Lan. Nào ngờ đội tuyển Thái Lan dưới triều đại của HLV Milovan Rajavec càng đá càng thụt lùi không có điểm dừng.
Đội bóng từng nhiều năm đứng đầu Đông Nam Á không những không thể tiệm cận với Nhật Bản hay Hàn Quốc tại châu Á, mà còn bị soán ngôi ở Đông Nam Á. Đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Park Hang-Seo đã nẫng mất ngôi vô địch AFF Cup 2018.
Mọi việc không chỉ dừng ở đấy, tại Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan chỉ vào đến vòng 1/8, dù mục tiêu trước đó là phấn đấu vào bán kết. Thậm chí, họ còn suýt bị loại sau vòng bảng, sau trận thua đầy ám ảnh 1 - 4 trước Ấn Độ, điều mà không một cổ động viên Thái Lan nào nghĩ đến.
Cái tát vào niềm kiêu hãnh
Ở cấp độ tuyển trẻ, Thái Lan lại tiếp tục thất bại thảm hại ở vòng loại giải U23 châu Á. Nằm chung bảng với đội tuyển Việt Nam, Indonesia và Brunei, đội bóng đất Chùa Vàng để thua U23 Việt Nam đến 0 - 4. U23 Thái Lan chỉ có thể góp mặt ở VCK giải U23 châu Á vào năm sau với tư cách chủ nhà của giải, một cái tát vào niềm kiêu hãnh của người Thái.
Công bằng mà nói VCK U23 châu Á năm 2018 tại Trung Quốc có thể Thái Lan thất bại vì họ không cử đội hình mạnh tham dự, đặt nặng quyết tâm vào giải đấu này. Nhưng tại vòng loại giải U23 châu Á 2020, Thái Lan mang đến đội hình mạnh nhất, quyết đánh bại bóng đá Việt Nam, nhưng vẫn chịu thất bại ê chề khiến dư luận Thái Lan sục sôi. Tổng Thư ký Pisan Jubdilok đã bị sa thải bởi chuỗi thành tích yếu kém của các đội tuyển.
Điều khiến dư luận truyền thông Thái “cay mũi” bởi ngay tại thời điểm bóng đá Thái Lan tụt dốc thì với sự xuất hiện của ông Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái thành công ở mọi cấp độ đội tuyển.
Bóng đá Thái lâm vào cảnh “xôi hỏng, bỏng không” chưa thể tiếp cận trình độ châu lục thì ngay tại khu vực Đông Nam Á, họ đã mất ngôi vị số 1. Không chỉ có đội tuyển Việt Nam, ngay đến Malaysia cũng từng vượt mặt Thái Lan ở AFF Cup 2018. Thậm chí, đối đầu với Ấn Độ, vốn chẳng phải là đội mạnh, trình độ không hơn các đội bóng Đông Nam Á, Thái Lan vẫn có thể thua đậm ở Asian.
Bạc bẽo ghế huấn luyện viên trưởng
Sau Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan phải sa thải HLV trưởng Milovan Rajevac, thay bằng HLV tạm quyền Sirisak Yodyarthai - người vốn chưa đủ điều kiện về bằng cấp để cầm quân ở các giải đấu quốc tế lớn. Lo tìm HLV đội tuyển quốc gia chưa xong thì FAT đã nhận được “hung tin” khi HLV Alexandre Gama đã đệ đơn từ chức tại U23 Thái Lan trước khi hết hạn hợp đồng một năm.
Chiến lược gia Brazil này về nắm CLB Muangthong Utd ngay trước thềm 2 giải đấu quan trọng diễn ra vào cuối năm nay và đầu năm sau. Đầu tiên là SEA Games 30 diễn ra vào tháng 11 ở Philippines. Tiếp theo đó là VCK U23 châu Á diễn ra vào tháng 1 năm sau mà họ chính là chủ nhà.
Phó Chủ tịch FAT - ông Wittaya Laohakul đã phải chua chát: "Chúng tôi sẽ rất thất vọng nếu HLV Gama quyết định chia tay U23 Thái Lan. Nhưng chúng tôi phải tôn trọng những quyết định của ông ấy. Tất cả đều hy vọng HLV Gama sẽ không chia tay đội tuyển bởi U23 Thái Lan đang trong quá trình chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng.
Nhưng nếu ông ấy cho rằng việc dẫn dắt CLB sẽ dễ dàng hơn đội tuyển và muốn ra đi thì chúng tôi vẫn buộc phải chấp nhận".
HLV Alexandre Gama chính là người nắm đội U23 Thái Lan đã để thua rất đậm trước thầy trò HLV Park Hang Seo với tỷ số 0 - 4 trên sân Mỹ Đình. Các HLV tên tuổi và có trình độ đã chán chường và không còn tin vào khả năng thành công, khả năng vượt vũ môn của đội bóng đất Chùa Vàng với cách làm của quan chức bóng đá Thái Lan.
Đã rất lâu rồi, người ta mới thấy bóng đá Thái Lan mất phương hướng như thế. Sau trận thua đội tuyển Việt Nam 0 - 1 tại King’s Cup 2019, chiếc ghế của Chủ tịch FAT, ông Somyot có vẻ đang lung lay mạnh.