Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt Nam: Mất bò vẫn không lo làm chuồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng loạt cầu thủ bị bắt, sa sút phong độ, thậm chí chết vì ma túy, chất kích thích nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể để đẩy lùi vấn nạn này ra khỏi sân chơi.

Chuyện Huy Hoàng và chuyện của làng bóng

Dư luận hẳn sẽ rất sốc khi chứng kiến hình ảnh và đoạn phim quay trung vệ lừng danh của ĐTQG và SLNA uốn éo, lè lưỡi trong một bộ dạng rất bệ rạc. Nhìn hình ảnh đó, ai cũng bảo, Huy Hoàng đang trong tình trạng “phê thuốc”. Nhưng cuối cùng, kết luận của cơ quan chức năng chỉ là "lái xe trong tình trạng say bí tỉ".

Thôi thì không nên quá chú ý vào chi tiết "bay" hay "say" của Huy Hoàng, nhưng chỉ nội chuyện Huy Hoàng rơi vào cái trạng thái "người chẳng ra người" ấy cũng đủ để ngôi sao đương thời phụt tắt. Dư luận bóng đá Nghệ An thất vọng và nổi giận. Làng bóng đá sốc và trăn trở bởi không biết tìm đâu ra "thần tượng" bóng đá Việt bây giờ. Bởi nói cho cùng, một cầu thủ khôn ngoan, kín tiếng như Huy Hoàng còn tệ đến thế thì đằng sau thứ ánh sáng lung linh của các ngôi sao là một thế giới như thế nào?

Bóng đá Việt Nam: Mất bò vẫn không lo làm chuồng - Ảnh 1

Huy Hoàng gây tai nạn trong tình trạng say bí tỉ.

Thực ra, dư luận không quá lạ lẫm về việc một bộ phận cầu thủ bóng đá hiện nay ăn chơi vô lối. Việc giàu lên quá nhanh khiến họ không thể giữ được thăng bằng và sa vào những thứ đầy cám dỗ. Thế nhưng, thay vì phê phán, một số đội bóng không có biện pháp quản lý thật hiệu quả. Thậm chí, khi cầu thủ hư, họ còn thỏa hiệp và dung túng cho cái xấu vì sợ "xấu chàng hổ ai". Thế mới có chuyện, cầu thủ bị bắt, chính lãnh đạo đội bóng là người đi bảo lãnh, xin giảm án. Thế là trong làng bóng đá nước nhà, người ta coi chuyện cầu thủ sử dụng chất kích thích "bình thường như cân đường", ai "đen" thì bị phát hiện.

10 năm không phát hiện doping

10 năm qua VFF đã thống nhất việc cần thiết phải thử doping các cầu thủ. Một trung tâm xét nghiệm doping cũng được xây dựng từ sau SEA Games 22. Việc xét nghiệm tình trạng sử dụng các chất ma túy còn dễ dàng hơn nhiều vì hầu hết các bệnh viện đều có chức năng này.

Ấy vậy mà, bất chất việc đã có cầu thủ bị chết vì sốc ma túy, người khác lặn mất tăm vì trở thành nô lệ cho cái chết trắng, nhưng vẫn không có ai chính thức bị kết luận là dương tính ma túy và chất kích thích. Có lẽ vì điều này mà các con bệnh luôn nhờn thuốc. Họ không sợ bị phát hiện và nhận án phạt thích đáng từ VFF.

Cuối cùng, chỉ có đội bóng là những người chịu thiệt. Tất nhiên, lỗi lớn trong việc này xuất phát từ chính họ, khi không coi trọng công tác kiểm tra sức khỏe trước khi ký hợp đồng. Thế mới có chuyện đội bóng Hải Phòng, bỏ ra vài tỷ đồng mua một cầu thủ về nhưng không thể sử dụng vì anh này luôn trong tình trạng "đau đầu" và thoắt ẩn thoắt hiện. Và khi biết mình bị lừa thì họ cũng không dám dũng cảm thừa nhận. Họ nghiến răng chịu đựng và tìm cách tống khứ của nợ cho đội bóng khác với hy vọng kiếm lại chút ít tiền hơn là mất trắng.

Và thế là bóng đá Việt Nam cứ quanh quẩn trong lối suy nghĩ lừa dối chính mình, lừa dối đồng nghiệp vì không dám đối diện với sự thật và toan tính thiệt hơn. Thế nên, sau 10 năm, công tác phòng chống doping, ma túy của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là một số 0 tròn chĩnh.